Đề xuất đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng di dời ga Đà Nẵng

Ga Đà Nẵng được đề xuất di dời đến vị trí mới cách ga hiện tại khoảng 4,2km thuộc phường Hòa Minh, Q. Liên Chiểu. Lộ trình di dời được chia làm 2 giai đoạn với tổng chi phí khoảng 9.045 tỷ đồng.

Để có cơ sở hoàn thiện báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền trong bước tiếp theo, mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Bộ GTVT xem xét và cho ý kiến về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án di dời ga Đà Nẵng.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lộ trình di dời Ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2030, giai đoạn 2 là sau năm 2030.

Ga đường sắt Đà Nẵng hiện nay tọa lạc tại số 791 đường Hải Phòng, phường Tam Thuận (Q. Thanh Khê).  Địa điểm đặt ga mới sẽ cách ga cũ 4,2km – nằm trên mạch đường sắt Bắc – Nam hiện hữu thuộc khu vực Hồ Trung Nghĩa, phường Hòa Minh (Q. Liên Chiểu).

Ga Đà Nẵng hiện nay đang nằm trong khu vực trung tâm thành phố

Trong đó, mục tiêu của giai đoạn 1 dự án là di dời ga Đà Nẵng về vị trí mới để phục vụ phát triển đô thị khu vực nội đô.

Giai đoạn này, tuyến đường sắt hiện tại trên địa bàn TP. Đà Nẵng được giữ nguyên hướng tuyến và sẽ chuyển đổi công năng nhánh đường sắt cụt từ đường vòng Thanh Khê qua ga Thanh Khê đến ga Đà Nẵng thành đường sắt đô thị.

Dự án sẽ tiến hành xây mới nhà ga hành khách ở phường Hòa Minh với diện tích khoảng 3.000m2, cao 10 tầng. Đồng thời xây dựng quảng trường nhà ga và công viên hồ Tây của thành phố rộng khoảng 14.000m2 để kết nối giao thông với các đường phố lân cận nhà ga.

Ở giai đoạn này, Đà Nẵng sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo ga Kim Liên hiện hữu tại phường Hiệp Hòa Bắc (Q. Liên Chiểu) thành ga vận chuyển hàng hóa của TP. Đà Nẵng với công suất xếp dỡ khoảng 500.000 tấn/năm.

Việc di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.190 tỷ đồng là chi phí xây dựng và thiết bị, khoảng 781 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng.

Khoảng cách từ ga Đà Nẵng (hiện hữu) đến vị trí dự kiến xây ga mới (Ảnh: Google Maps).

Giai đoạn 1 được UBND TP. Đà Nẵng đề xuất triển khai trong năm 2024 – 2030. Trong đó, từ quý 3/2026 – 2030 sẽ tiến hành xây dựng dự án. Dự kiến ga đường sắt mới sẽ hoạt động đến năm 2050.

Bước sang giai đoạn 2 tức là sau năm năm 2030, dự án di dời ga Đà Nẵng sẽ di dời tuyến ga, đường sắt khu vực thành phố theo quy hoạch đồng bộ với dự án đường sắt tốc độ cao đoạn từ Thanh Hóa - Nha Trang. Tổng chiều dài tuyến mới khoảng 29km. Điểm nhấn của giai đoạn này là xây dựng mới ga hành khách tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), bao gồm ga đường sắt Quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tổng vốn đầu tư ước tính là 3.812 tỷ đồng.

Chi phí đầu tư của cả dự án này là 9.045 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 313,2 tỷ đồng gồm phần xây dựng bãi hàng, kho hàng… bãi hàng ga Kim Liên và các quảng trường ga, nhà ga, đường bộ vào ga mới ở Hồ Trung Nghĩa được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Phần vốn còn lại là do Chính phủ bố trí từ nguồn ngân sách thành phố. 

Năm 1902, Ga Đà Nẵng được xây dựng và khánh thành theo kiến trúc thống nhất từ Bắc chí Nam. Ga Đà Nẵng cách ga Hà Nội 791km về phía Bắc, cách ga Vinh 472km về phía Bắc, cách ga Huế 103km về phía Nam. Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua Đà Nẵng có chiều dài khoảng 30km. Từ khi khánh thành tới nay, ga Đà Nẵng được sửa chữa và xây dựng nhiều lần nên không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ga Đà Nẵng được mở rộng trở thành ga khu đoạn với 3 chức năng: ga hàng, ga hành khách và ga tác nghiệp kỹ thuật.