Cách phòng tránh tai nạn đáng tiếc
Ngày 21/11, đại diện Phòng CSGT Công an TP. HCM cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn TP. HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe máy và các phương tiện có tải trọng lớn như xe buýt, xe đầu kéo, xe trộn bê tông và xe tải.
Phòng CSGT cho biết, có 2 nguyên nhân chính dễ dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe máy và ô tô: Chuyển hướng không đúng quy định, thiếu chú ý quan sát và vượt ẩu.
Điển hình, vào ngày 2/11, anh D.P (34 tuổi, quê Kiên Giang) lái xe tải trên đường Võ Trần Chí, hướng từ Trần Đại Nghĩa đi Thế Lữ. Khi xe tải đến giao lộ Võ Trần Chí - Lê Bá Trinh (huyện Bình Chánh), tài xế rẽ phải thì xảy ra va chạm với xe máy do anh N.P.N (25 tuổi, quận 11) điều khiển cùng chiều bên phải.
Anh N. được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng do bị thương quá nặng, anh N. đã tử vong. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân tai nạn là do tài xế xe tải chuyển hướng không đúng quy định.
Một vụ tai nạn khác xảy ra vào lúc 14h48 ngày 8/11 tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Lê Lai (quận Gò Vấp). Thời điểm này, H.N.A - sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Thái Sơn, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phạm Ngũ Lão. Khi đến giao lộ, A. đã vượt bên trái nên va chạm với một xe đạp chạy cùng chiều.
Cú va chạm khiến nam sinh ngã xuống đường và bị xe buýt chạy cùng chiều bên trái cán qua, tử vong tại chỗ. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân ban đầu là do nam sinh chạy xe máy vượt ẩu.
Trước tình trạng trên, Phòng CSGT Công an TP. HCM đã chỉ cách phòng tránh tai nạn đáng tiếc. Cụ thể, tài xế ô tô cần tránh sự chủ quan và lơ là trong quá trình điều khiển phương tiện, đặc biệt là khi thực hiện các thao tác như chuyển hướng, chuyển làn, quay đầu hoặc lùi xe để kịp thời phát hiện những phương tiện nhỏ như xe đạp, xe máy có thể di chuyển vào "điểm mù" của xe mình.
Để hạn chế rủi ro, các chủ phương tiện nên trang bị thêm các gương cầu lồi hoặc hệ thống camera quan sát, giúp loại bỏ "điểm mù" phía trước, bên hông và phía sau của xe. Đối với tài xế xe máy, khi di chuyển gần các phương tiện có tải trọng nặng, kích thước lớn, cần giữ khoảng cách an toàn và luôn tập trung quan sát.
Khi xe máy lưu thông trên các đoạn đường hỗn hợp, gần giao lộ, ngã rẽ hoặc khu vực có cổng công ty, xí nghiệp, kho bãi, tài xế cần chú ý quan sát các phương tiện xung quanh và tín hiệu chuyển hướng. Nếu phát hiện ô tô có dấu hiệu chuyển hướng, tài xế xe máy cần xử lý tình huống tùy thuộc vào vị trí của mình so với phương tiện lớn, cụ thể:
Nếu chạy trước đầu xe tải lớn, tài xế xe máy nên tăng tốc rời khỏi khu vực đầu xe, theo hướng di chuyển của xe tải. Trường hợp xe máy chạy bên hông hoặc song song với xe tải, cần nhường đường và đi theo hướng rẽ của xe tải để tránh va chạm. Nếu chạy phía sau xe tải, tài xế xe máy cần nhường đường cho xe tải rẽ, tuyệt đối không vượt ẩu hoặc cắt đầu xe tải để tránh rơi vào "điểm mù".
Người điều khiển xe máy cũng cần lưu ý không vượt các phương tiện lớn khi di chuyển ở những đoạn đường hẹp, không đủ khoảng cách an toàn, có xe đi ngược chiều, hoặc ở những khu vực giao lộ, đường cong, dốc, nơi tầm nhìn bị hạn chế.
Xe máy dễ tổn thương hơn nhưng chưa được ưu tiên bảo vệ
Ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao. Đến tháng 9/2024, cả nước đã đăng ký 77 triệu xe máy.
Mặc dù đã có nhiều kế hoạch nhằm quản lý và hạn chế xe máy, nhưng đây vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của đông đảo người dân Việt Nam, chiếm từ 85 - 90% tổng lượng phương tiện lưu thông trên đường và liên quan đến 60-70% số vụ tai nạn giao thông.
Thực tế cho thấy, phần lớn tai nạn giao thông xảy ra giữa xe máy và ô tô hoặc các phương tiện lớn như xe tải, xe buýt, container thường có điểm chung là va chạm xảy ra trên cùng một làn đường, nơi không có sự phân tách rõ ràng để bảo đảm an toàn cho từng loại phương tiện. Điều này khiến xe máy - phương tiện dễ bị tổn thương hơn luôn phải đối mặt với nguy cơ cao, trong khi ô tô và các phương tiện lớn lại chiếm ưu thế về kích thước và tốc độ.
Nhiều chuyên gia giao thông chia sẻ, trong quy hoạch giao thông hiện nay, ô tô thường được ưu tiên về làn đường và không gian di chuyển. Tuy nhiên, hiện nay xe máy mới là phương tiện chủ yếu tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số phương tiện tham gia giao thông. Điều nghịch lý là nhóm phương tiện dễ tổn thương nhất lại không được ưu tiên bảo vệ.
Hầu hết các tuyến đường tại Việt Nam, đặc biệt là tỉnh lộ và quốc lộ, dải phân cách cứng giữa làn xe máy và làn ô tô vẫn chưa được quan tâm nhiều. Xe máy và ô tô cùng di chuyển trên một làn đường dẫn đến nguy cơ va chạm khi ô tô lấn làn, vượt xe hoặc tăng tốc đột ngột. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy sẽ là một biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tai nạn giữa xe máy với ô tô.