Hội chứng “sợ bỏ lỡ” đang ảnh hưởng đến giới trẻ thế nào?

Hội chứng FOMO khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy những trải nghiệm của người khác luôn thú vị, quan trọng và tuyệt vời hơn của mình. Tâm lý này khiến họ tự ti, nhìn nhận về bản thân và cơ hội của mình luôn thấp hơn người khác, từ đó dẫn đến việc không biết trân trọng những gì mình đang có.

Hội chứng của nhiều người trẻ

FOMO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Fear Of Missing Out, được định nghĩa là hội chứng tâm lý khiến con người luôn có nỗi lo sợ bản thân đang bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn diễn ra xung quanh. Người bị FOMO thường xuyên so sánh bản thân với người khác.

Tiến sĩ Dan Hernan người Israel - chuyên gia marketing đã xác định được hiệu ứng của hội chứng FOMO vào đầu năm 1996 khi thực hiện nghiên cứu với một số khách hàng, Kết quả nghiên cứu cho thấy, hội chứng FOMO có thể là một trong những lý do khiến cho khách hàng không trung thành với bất kỳ một thương hiệu nào. Khi có hội chứng sợ bỏ lỡ, khách liên tục mua các sản phẩm mới từ những thương hiệu mới để không bỏ lỡ bất kỳ xu hướng thú vị nào.

hoi-chung-1-1719741513.png
Hội chứng "sợ bỏ lỡ" đang ảnh hưởng nhiều nhất tới giới trẻ

Ngay cả khi đang lái xe, ngồi nghe giảng trên lớp hay làm bất cứ việc gì, bạn vẫn không muốn bỏ lỡ bất kỳ cập nhật nào của mọi người trên Facebook, Twister, Tiktok... Vì vậy, bạn luôn “dán mắt” vào màn hình điện thoại để chờ đợi bài đăng của mọi người hoặc một thông báo mới từ các trang mạng xã hội.

Hội chứng này đang ảnh hưởng nhiều nhất tới giới trẻ. Nguyễn Trần Anh Thư (sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) luôn trong trạng thái lo lắng sẽ bỏ lỡ tin mới mẻ hoặc “nóng hổi”, từ đó trở nên “lạc lõng” giữa bạn bè trong cuộc trò chuyện, bàn tán. Do đó, Thư cập nhật tin tức mọi lúc, mọi nơi. Điện thoại của Thư cả ngày luôn kết nối internet. Cứ khoảng 5 phút 1 lần, Thư lại vào Facebook, kể cả những giờ trên lớp.

Cũng là sinh viên, Phạm Thị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chỉ cần không lên mạng một lúc thôi, cô đã cảm thấy có thể bỏ lỡ một cái gì đó, đặc biệt là các lời mời, thông báo đăng ký tham gia buổi tiệc nào đó giới hạn số lượng. Hay có khi là thông tin của bạn bè, lời giới thiệu vài bộ phim, địa điểm “độc, lạ” được một số fanpage giới thiệu, mà nếu không lướt nhanh sẽ bị trôi mất trên cột hiển thị.

Mai bảo, cô cảm thấy bứt rứt nếu không online và biết được mọi người đang làm gì, cuộc sống xung quanh đang diễn ra như thế nào... Hiện nay, cuộc sống mặc dù có công nghệ phát triển giúp cập nhật thông tin đầy đủ nhưng nhịp sống quá nhanh, quá gấp và nhiều điều mới mẻ nên nếu không chú ý, mình sẽ tụt hậu.

Trường hợp của N.T.T.D (Đội Cấn, Hà Nội) nghiêm trọng hơn hẳn. D. vừa theo dõi game show trực tuyến trên ti vi, xem phim ở laptop, lại thỉnh thoảng cầm điện thoại lên lướt facebook...

D. tâm sự, có lần theo gia đình đến một địa điểm du lịch, sóng mạng chập chờn, lúc không mà sau 2 ngày trở lại nhịp sống cũ, cô đã ngơ ngác và thấy mình là kẻ lạc loài, không ở cùng một thế giới với mọi người vậy. D. bảo cảm giác như bị bỏ rơi và mất mát khi mình đã bỏ qua rất nhiều thứ hay ho, quan trọng.

Các chuyên gia tâm lý có lời khuyên gì

Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Khoa Tâm lý của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM chia sẻ, FOMO là một hội chứng tâm lý đề cập đến cảm giác lo lắng, bất an, thậm chí là ghen tị khi nghĩ mình bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn mà người khác đang trải nghiệm. Từ đó, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và một số hành động "bộc phát" mà chưa cân nhắc hậu quả lâu dài.

hoi-chung-1719741511.png
Hội chứng FOMO không tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giấc ngủ và các mối quan hệ

Theo thạc sĩ Chi, một trong những ví dụ điển hình nhất của người mắc hội chứng FOMO là chấp nhận lời mời tham dự một bữa tiệc mà họ không thực sự muốn chỉ vì sợ bị bỏ rơi khi bạn bè bàn tán về điều mà mình không biết vào ngày hôm sau. Ngoài ra, người mắc phải hội chứng này thường có xu hướng mua sắm vô tội vạ vì sợ bản thân không bắt kịp xu thế, dù thực tế họ không có nhu cầu sử dụng chúng.

Thạc sĩ tâm lý học Quang Thị Mộng Chi cho biết, tất cả những định nghĩa từ các nhà nghiên cứu hiện nay về FOMO đều theo hướng không tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giấc ngủ và các mối quan hệ. Hội chứng FOMO khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy những trải nghiệm của người khác luôn thú vị, quan trọng và tuyệt vời hơn của mình. Tâm lý này khiến họ tự ti, nhìn nhận về bản thân và cơ hội của mình luôn thấp hơn người khác, từ đó dẫn đến việc không biết trân trọng những gì mình đang có.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến hội chứng “sợ bỏ lỡ”, thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi - giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP. HCM cho hay, FOMO thường xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là khao khát đạt được những thứ tốt đẹp hơn trong cuộc sống nhằm cải thiện tình trạng hiện tại của bản thân.

Thứ hai là nhu cầu hòa nhập hay thuộc về một cộng đồng, một nhóm cụ thể nhằm có cảm giác an toàn, được chấp nhận. Việc hòa nhập trong một cộng đồng sẽ giúp con người cảm nhận rõ hơn về giá trị của bản thân và đảm bảo mình sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Thạc sĩ tâm lý học Bùi Vĩnh Nghi khuyên, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ hội chứng FOMO thì có thể thực hiện một số cách sau: Thứ nhất, tập trung vào những thứ mình thật sự cần. Lựa chọn những gì bạn thực sự cần bao gồm việc biết điều gì quan trọng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu, sau đó lên kế hoạch để đạt được điều đó.

Thứ hai, loại bỏ những điều không quan trọng: Khi đã xác định được mục tiêu quan trọng của bản thân ở thời điểm hiện tại, tiếp theo là loại bỏ các cám dỗ ngăn cản đạt đến mục tiêu. Hiện nay, việc loại bỏ hoàn toàn công nghệ là điều tương đối khó, vì vậy hãy học cách sử dụng hợp lý để tối đa hoá công dụng mà những ứng dụng như TikTok, Instagram, Facebook mang đến.