“Xiên bẩn” hại sức khỏe, sao giới trẻ vẫn thích ăn?

Minh Anh bảo, không riêng cô mà nhiều bạn bè của cô cũng thích ăn “xiên bẩn”. Đồ chiên thơm, ăn kèm thêm sốt chấm chua ngọt và dưa chua rất cuốn. Mỗi người chỉ cần 50.000 đồng, có khi 30.000 đồng là đã ăn thoải mái rồi.

Tối muộn, Phương Nhi (quận Ba Đình, Hà Nội) ghé vào một quán ăn vặt trên "phố ẩm thực xiên que" ở đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Nhi có thói quen ăn đồ chiên rán vào đêm muộn. Đã thử qua nhiều hàng “xiên bẩn” trong các ngõ ngách tại Hà Nội, Nhi khá ưng ý đồ ăn tại khu vực này.

Các hàng “xiên bẩn” ở đây đa dạng hơn, với 20 loại như thanh cua, bò viên, cá viên, tôm, gà, hải sản, phô mai. Giá cũng rẻ hơn, chỉ khoảng 2.000 đồng/xiên. Thế nên, hầu như tối nào, Nhi cũng ghé qua ăn vài chục xiên.

xien-ban-2-1716200362.jpg
Giá "xiên bẩn" rất rẻ nên thu hút rất đông học sinh, sinh viên mua ăn

Minh Anh (sinh viên một trường đại học tại khu Cầu Giấy) chia sẻ, “xiên bẩn” là món cô thường ăn. Sau một ngày đi học và làm thêm, cô mua vài xiên về ăn vừa nhanh, tiện vừa rẻ. Minh Anh bảo, không riêng cô mà nhiều bạn bè của cô cũng thích ăn “xiên bẩn”. Đồ chiên thơm, ăn kèm thêm sốt chấm chua ngọt và đồ dưa chua rất cuốn. Mỗi người chỉ cần 50.000 đồng, có khi 30.000 đồng là đã ăn thoải mái rồi.

Những hàng bán “xiên bẩn” này thường là các xe lưu động, tập chủ yếu quanh các cổng chợ, cổng trường cao đẳng, đại học tại các tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Núi Trúc (Ba Đình), Trần Duy Hưng, Phan Văn Trường (Cầu Giấy), Nguyễn Quý Đức, Triều Khúc, chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân)…

"Xiên bẩn" là tên gọi chung của các món ăn vặt như viên chiên (cá viên, bò viên, tôm viên,..), lạp xưởng, xúc xích… với màu sắc bắt mắt cùng hương vị hấp dẫn. Chúng được chế biến vô cùng đơn giản, nhanh gọn bằng cách chiên với dầu và cố định lại bằng những que xiên nhỏ.

xien-ban-1-1716200394.jpg
Các xe "xiên bẩn" thường xuất hiện ở vỉa hè, cổng trường, nơi xe cộ đi lại nhiều nên rất dễ bám bụi bẩn

Từ "bẩn" trong "xiên bẩn" được dùng với đúng nghĩa đen, chỉ sự mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi các xe "xiên bẩn" thường xuất hiện ở vỉa hè, cổng trường, nơi xe cộ đi lại nhiều nên rất dễ bám bụi bẩn. Nguồn gốc, xuất xứ của các loại viên chiên cũng không rõ ràng, có thể được chế biến từ những loại thịt không đảm bảo chất lượng pha thêm hóa chất, phụ gia.

Ngoài mập mờ nguồn gốc xuất xứ, xiên bẩn còn được chiên trong dầu ăn được dùng đi dùng lại nhiều lần. Loại dầu này có thể biến đổi thành axit dạng béo không có lợi cho sức khỏe, khi chúng ta ăn phải sẽ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu. Các chất bảo quản giữ cho "xiên bẩn" có được độ tươi và màu sắc hấp dẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ung thư…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các hàng bán “xiên bẩn” đa phần dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người bán không tuân thủ quy trình chế biến, bán ở nơi nhiều bụi bẩn, gần bãi rác không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, có đến 70 - 80% thức ăn đường phố, gồm cả đồ ăn vặt ở cổng trường, được xác định bị nhiễm khuẩn Ecoli. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn tả. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc với trên 2.100 người mắc và 28 người tử vong.

xien-ban-3-1716200362.jpg
Khách hàng của những hàng "xiên bẩn" chủ yếu là người trẻ

Khách hàng của những hàng "xiên bẩn" chủ yếu là người trẻ. "Biết là bẩn nhưng ăn nhiều thành quen, thấy không bị sao nên vẫn ăn", Nhi cho hay. Nhi bảo, để "đỡ độc hại", mỗi lần đi ăn, cô đều mang theo giấy thấm dầu để loại bỏ bớt dầu mỡ ngấm vào viên chiên.

Còn Thùy Trang (ở quận Ba Đình) cho biết, cô đã đôi lần bị đau bụng sau khi ăn "xiên bẩn" nhưng uống thuốc tiêu hóa là đỡ nên cô vẫn tiếp tục ăn. "Ngon là được, hàng nào ăn bị đau bụng sau tôi né, tìm đến quán khác cho đảm bảo", Trang nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, không phải ai ăn viên chiên hay đồ vỉa hè đều bị ngộ độc, nhưng người dân nên bảo vệ sức khỏe của bản thân về lâu dài. Ngoài ý thức cá nhân, chuyên gia cũng cho rằng chính nhà trường cần tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cơ quan quản lý nên đưa ra kế hoạch dẹp vỉa hè, tránh để tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.