Xảy ra động đất, người dân ở nhà cao tầng cần làm gì để đảm bảo an toàn?

avatar
Tại Việt Nam, mặc dù động đất không xảy ra với tần suất cao và không có cường độ lớn như ở một số quốc gia khác, nhưng theo các nghiên cứu và tài liệu lịch sử, mối nguy hiểm từ động đất vẫn hiện hữu. Do đó, người dân vẫn cần nắm được những kỹ năng an toàn cơ bản khi động đất xảy ra.

Động đất từ Myanmar rung chấn đến Việt Nam

Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Các Khoa học Trái đất), vào lúc 6 giờ 20 phút 57 giây (giờ GMT) ngày 28/3, tức 13 giờ 20 phút 57 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất mạnh 7,3 độ đã xảy ra tại khu vực Myanmar. Dù xảy ra ở Myanmar nhưng cùng thời điểm, nhiều tại Việt Nam cũng cảm nhận rõ sự rung lắc ở các tòa nhà cao tầng.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người dân ở các tỉnh thành khác cũng chia sẻ cảm nhận rõ ràng về rung chấn từ trận động đất này. Tại Hà Nội, đợt rung lắc vào khoảng 13 giờ 30 đã làm bàn ghế và máy tính xê dịch trong khoảng 30 giây. Một clip ghi lại hình ảnh tại tầng 22 của một tòa chung cư ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), các chùm đèn treo trần nhà rung mạnh.

dong-dat-1743159954.jpg
Cư dân tại một khu đô thị ở phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) chạy ra ngoài sau khi cảm nhận rung lắc mạnh (Ảnh: MXH)

Trên các tuyến đường tập trung nhiều văn phòng như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Duẩn, người dân và nhân viên văn phòng đổ ra vỉa hè sau khi xảy ra rung chấn.

Anh Nguyễn Văn Quý sinh sống tại một căn chung cư ở tầng 19, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Anh cho biết, khoảng 13 giờ 25, khi đang làm việc, anh bỗng cảm thấy chóng mặt. Lúc đó, anh nghĩ mình bị tụt huyết áp nhưng khi nhìn ra ban công, anh nhận thấy các vật dụng bị rung lắc mạnh. Khoảng một phút sau, hiện tượng này dừng lại, anh đoán là động đất.

Tương tự, chị Trần Thị Minh Anh sống ở tầng 18 của một chung cư ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, chị đang dọn dẹp nhà cửa thì bất ngờ cảm thấy chóng mặt, đồng thời cảm nhận được độ rung lắc khá mạnh.

Còn chị Hương Giang - cư dân tại tòa nhà Garden An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết, ở tầng cao bỗng nhiên thấy đồ đạc trong nhà rung lắc mạnh trong vài phút, thực sự quá đáng sợ. Nhiều người trong tòa chung cư nhà chị đã vội vã chạy ra ngoài sau khi phát hiện có sự rung lắc.

Tại một chung cư ở phường Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều cư dân sống ở các tầng cao cũng giật mình khi cảm nhận được rung lắc mạnh, khiến họ vội vàng chạy xuống sảnh tầng 1. Cư dân nơi đây cho biết, họ chưa bao giờ cảm nhận động đất mạnh như vậy trước đây.

Ở TP. HCM, thời điểm trên, cư dân và nhân viên văn phòng ở các tòa nhà cao tầng tại quận 1, Phú Nhuận, quận 11... cho biết, họ cảm nhận rõ sự rung lắc của nhà cửa nên đã lập tức chạy ra ngoài.

Tại thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), người dân trong các cao ốc cũng cảm thấy rung lắc nhẹ. Họ đã di chuyển ra ngoài tòa nhà một cách trật tự, không hoảng loạn.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, khi một trận động đất mạnh xảy ra, thường sẽ gây ra dư chấn lan sang các khu vực khác.

Điều này giải thích lý do tại sao nhiều nơi ở Việt Nam cảm nhận được sự rung lắc. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định trận động đất ở Myanmar ít khả năng gây thiệt hại cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, động đất là một loại thiên tai không xảy ra thường xuyên như bão hay lũ, nhưng hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng, có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Một số trận động đất đã trở thành những thảm họa kinh hoàng đối với loài người.

Tại Việt Nam, mặc dù động đất không xảy ra với tần suất cao và không có cường độ lớn như ở một số quốc gia khác, nhưng theo các nghiên cứu và tài liệu lịch sử, mối nguy hiểm từ động đất vẫn hiện hữu.

Trong đó, khu vực Tây Bắc có mức độ nguy hiểm động đất cao nhất, tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ, Đông Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Khu vực đồng bằng sông Hồng đứng thứ năm, trong khi khu vực miền Tây Nam Bộ có mức độ nguy hiểm động đất thấp nhất cả nước.

dong-dat-2-1743159954.jpg
Cư dân và nhân viên văn phòng ở quận 1 (TP.HCM) chạy xuống đường khi cảm nhận rung lắc (Ảnh: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Làm gì khi xảy ra động đất?

Trước tình huống trên, trao đổi trên Báo Thanh Niên, Trung úy Phan Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, khi xảy ra động đất, mọi người không nên hoảng loạn mà cần giữ bình tĩnh và thực hiện các biện pháp an toàn phù hợp với từng tình huống.

Nếu đang ở trong nhà, hãy nhanh chóng tìm nơi trú ẩn, như núp dưới giường để tránh bị đồ vật rơi trúng. Cần tránh xa những vị trí có đèn chùm, quạt trần, cửa kính hay gương vì rất nguy hiểm. Dùng tay để che đầu và cổ, ngồi sát vào tường để giảm thiểu nguy cơ.

Trung úy Tiến cũng nhấn mạnh, nếu đang ở trong nhà cao tầng hoặc chung cư, không nên vội vàng chạy ra ngoài ngay lập tức, vì cầu thang, ban công hoặc lối thoát hiểm có thể bị sập hoặc vỡ. Tuyệt đối không sử dụng thang máy, vì có thể bị kẹt nếu xảy ra mất điện.

Nếu đang ở ngoài trời, hãy tránh xa các tòa nhà, cột điện, hoặc khu vực có nhiều cây cối vì chúng có thể đổ xuống gây thương tích. Tốt nhất là tìm nơi thoáng như công viên hoặc bãi đất trống. Nếu gần biển, cần di chuyển lên vùng đất cao để tránh nguy cơ sóng thần.

Khi đang lái xe, hãy giữ chặt tay lái, giảm tốc độ từ từ và tìm nơi an toàn để dừng lại. Tuyệt đối không dừng xe dưới nơi có dây điện hay tòa nhà cao tầng. Ở yên trong xe cho đến khi cảm nhận hết rung lắc và kiểm tra tình hình xung quanh trước khi rời đi.

Khi động đất kết thúc, nếu có khói hoặc mùi gas, hãy dùng khăn ướt che mũi miệng và di chuyển ra ngoài theo lối thoát hiểm. Luôn theo dõi thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống để cập nhật tình hình, vì có thể xảy ra dư chấn trong vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Nếu phát hiện nhà bị hư hỏng hoặc có nguy cơ sụp đổ, hãy tìm nơi trú ẩn an toàn.

Trung úy Tiến còn lưu ý, sau khi mọi thứ ổn định, cần kiểm tra cơ thể để xem có bị chấn thương hay không và đến cơ sở y tế để điều trị. Trong tình huống hoảng loạn, bạn có thể không nhận thấy vết thương. Đừng quên kiểm tra tình hình của những người thân xung quanh.