Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thống nhất đưa 4 dự án lớn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đó là: Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; dự án Tòa nhà Trung tâm điều hành và giao dịch thương mại, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem); dự án Thủy điện Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa); Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại) thuộc tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Được biết đây là các dự án chưa hoàn thành, kéo dài nhiều năm hoặc chỉ hoàn thành phần nhỏ, có dấu hiệu lãng phí tài nguyên và ngân sách nghiêm trọng.
Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao
Tháng 7/2009, dự án này được phê duyệt đầu tư với tổng vốn 3.484 tỷ đồng, do BQL dự án – Bộ Ngoại giao làm chủ đầu tư.

Dự án nằm trên đường Lê Quang Đạo có diện tích xây dựng 16.282m2 với tổng diện tích sàn khoảng 126.282m2 chưa bao gồm diện tích ngoài trời như: khu để xe, thảm cỏ, thể thao giải trí, đường giao thông nội bộ. Đây là dự án thuộc nhóm A, công trình cấp đặc biệt.
Tháng 7/2014, Bộ Ngoại giao đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên gần 4.023 tỷ đồng. Nguyên nhân là do biến động về tỷ giá, giá cả vật tư, vật liệu xây dựng, chi phí nhân công… Sau điều chỉnh, dự án có tổng diện tích 8ha với 3 khối nhà.
Dự án này đã xây dựng hoàn thiện nhiều năm nhưng hiện nay chỉ sử dụng một phần nhỏ, phần diện tích còn lại bị bỏ không.
Tại văn bản cho ý kiến về việc xin cơ chế đặc thù nhằm giải quyết các vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng cho biết, cơ chế đặc thù cho dự án mới chỉ để xử lý tình huống, chưa thể giải quyết triệt để, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án này.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem
Năm 2010, dự án này được đầu tư xây dựng. Sau điều chỉnh, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.743 tỷ đồng, quy mô 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tòa tháp có vị trí đắc địa tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội), nằm cạnh đường Vành đai 3 và tòa Keangnam.

Tháng 5/2011 dự án được khởi công với mục tiêu là xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.
Tới tháng 8/2015, công trình đã xây dựng hoàn thành phần thô nhưng sau đó rơi vào cảnh “đắp chiếu” và bất động nhiều năm.
Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan điều tra phát hiện tại dự án này có nhiều sai phạm gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Đầu tháng 3/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Vicem và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 4 trường hợp gồm: Lê Văn Chung – nguyên Chủ tịch HĐTV, Nguyễn Ngọc Anh – nguyên Tổng giám đốc, Dư Ngọc Long – nguyên Giám đốc BQL dự án, Hoàng Ngọc Hiếu – nguyên Trưởng phòng Thẩm định Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.
Cũng từ đầu tháng 3 năm nay, tòa tháp Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đã được Tổng công ty Xi măng Việt Nam chính thức khởi động lại việc xây dựng. Sau thập kỷ bị bỏ hoang, công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 2/2026.
Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại) thuộc đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công năm 2005 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng. Dự án dự kiến đầu năm 2012 sẽ hoàn thành nhưng tới năm 2011 buộc phải giãn tiến độ và tạm dừng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Thời điểm đó, một số công trình đã được đầu tư xây dựng, trong đó có những cây cầu cụt thuộc Tiểu dự án 2 (Lim – Phả Lại).
Hiện nay tại địa phận tỉnh Bắc Ninh đang tồn tại 5 cây cầu cụt, phần móng trụ trơ trọi, sắt thép cũng hoen gỉ.
Trước đó, đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho hay những cây cầu này cụt này thuộc dự án do Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư.
Hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này nhằm làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.
Thủy điện Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa)
Dự án Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được khởi công từ năm 2010 với tổng mức đầu tư 3.320 tỷ đồng.
Dự án do Công ty CP Đầu tư & Xây dựng điện Hồi Xuân Vneco làm chủ đầu tư với công suất 102MW, gồm 3 tổ máy với sản lượng điện trung bình 432 triệu Kwh/năm.
Theo kế hoạch được đưa ra, Thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần 1 vào tháng 10/2012, chặn dòng lần 2 vào cuối năm 2013, tới giữa năm 2014 sẽ tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 9/2014.

Năm 2015 dự án được Bộ Tài chính cấp bảo lãnh cho khoản vay vốn nước ngoài với số tiền 125 triệu USD.
Thế nhưng từ 2014 – 2018, dự án chỉ làm cầm chừng và tới năm 2018 thì dừng thi công do thiếu vốn.
Lãnh đạo huyện Quan Hóa cho hay, vùng lòng hồ dự án Thuỷ điện Hồi Xuân có hơn 655ha đất bị ảnh hưởng, thuộc huyện Quan Hoá (tỉnh Thanh Hoá) và huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Dự án đã tác động tới gần 1.900 hộ dân ở 2 huyện này, trong đó có khoảng 500 hộ dân phải tái định cư đến nơi ở mới.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần đề xuất các bộ, ngành nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ để dự án tái khởi động, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Hồi tháng 3/2023, trong báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cũng điểm tên dự án Thủy điện Hồi Xuân. Thời điểm đó, các hạng mục công trình chính đã đạt khối lượng khoảng hơn 98%. Từ tháng 11/2022, chủ đầu tư dự án đã thi công trở lại với các hạng mục: hoàn thiện kiến trúc nhà máy, thi công cầu giao thông qua tràn. Phía Công ty VNECO Hồi Xuân cũng cam kết hết quý 1/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy.
Nhưng sau đó, Bộ Công Thương thông tin đã nhận được 3 báo cáo của Công ty VNECO Hồi Xuân. Tuy nhiên phía chủ đầu tư mới chỉ đưa ra được phương án tài chính bổ sung nguồn vốn để tiếp tục triển khai các phần còn lại của dự án. Phương án tài chính đang được Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam xem xét, thẩm định; đến thời điểm báo cáo, ngân hàng vẫn chưa giải ngân cho vay để chủ đầu tư có kinh phí tiếp tục triển khai dự án.