Gia tăng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên: Cấp giấy phép lái xe cho đối tượng từ 16 - 18 tuổi là cần thiết!

Cục Đăng kiểm nhấn mạnh, nguyên nhân chính của tai nạn giao thông là do vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy việc quy định độ tuổi đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho nhóm thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi là cần thiết và phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.

Đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe tại trường học

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã triển khai cao điểm xử lý vi phạm trong tháng 10. Riêng tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố thống kê, toàn thành phố đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại chỉ trong tháng cao điểm.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn xử lý hơn 450 phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, đồng thời xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông gửi đến Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội.

vi-pham-giao-thong-1-1731063076.jpg
Lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã triển khai cao điểm xử lý học sinh vi phạm trong tháng 10

Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tăng cường xử lý những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông.

Cục Cảnh sát giao thông cũng vừa đề xuất tăng chế tài xử phạt 4 - 5 lần đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện; lực lượng chức năng sẽ tịch thu xe nếu tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng. Đặc biệt, kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện, để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả.

Vấn đề giảm thiểu vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh luôn rất được quan tâm. Theo quy định hiện hành, học sinh từ 16 - 18 tuổi được phép điều khiển xe hai bánh (xe gắn máy dưới 50cc), nhưng không yêu cầu phải có giấy phép lái xe.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông phổ biến trong nhóm học sinh hiện nay, dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ quy định nhóm đối tượng này phải được đào tạo về kiến thức và kỹ năng lái xe ngay tại trường học. Để triển khai quy định này, Bộ Công an đề xuất việc đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe bắt đầu từ bậc mầm non và kéo dài đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, học sinh trung học cơ sở sẽ được học các môn cơ bản về giao thông, như quy tắc giao thông, nhận diện và chấp hành các báo hiệu đường bộ, đội mũ bảo hiểm đúng cách, đảm bảo an toàn khi ngồi trên xe cơ giới...

Với học sinh cấp ba, chương trình đào tạo sẽ được nâng cao hơn, gồm quy tắc giao thông, báo hiệu đường bộ, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn khi lái xe, cách dự đoán và phòng tránh nguy hiểm, cũng như phương pháp điều khiển xe gắn máy an toàn.

Học sinh cũng sẽ được dạy các kỹ năng lái xe thực tế, như nhận diện và xử lý tình huống nguy hiểm khi lái xe, hiểu biết về cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, cách bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn, và trách nhiệm của người tham gia giao thông, bao gồm cả việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

Một điểm đáng chú ý là học sinh sẽ được thực hành lái xe qua 4 bài tập mô phỏng: Đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cản và đi qua đoạn đường gồ ghề. Đây là các bài tập tương tự như trong kỳ thi cấp giấy phép lái xe máy hiện nay.

Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng chương trình giảng dạy, còn Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp chỉ đạo các cơ quan quản lý trường học chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để triển khai chương trình đào tạo này.

Dự thảo nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh gồm việc tổ chức ký cam kết giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường về việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ.

vi-pham-giao-thong-2-1731063279.jpg
Bộ Công an đề xuất việc đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe ngay tại trường

Đề xuất cấp giấy phép lái xe cho thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo An toàn giao thông xe máy ngày vừa diễn ra, TS. Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện tượng trẻ em dưới 16 tuổi điều khiển xe máy và gặp tai nạn giao thông ngày càng trở nên phức tạp. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi được phép điều khiển xe máy có dung tích dưới 50cc một cách hợp pháp, nhưng nhóm này lại thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để điều khiển phương tiện an toàn.

Luật Trật tự, an toàn giao thông yêu cầu nhóm đối tượng này phải hiểu rõ các quy tắc giao thông và có kỹ năng điều khiển phương tiện, đồng thời đáp ứng các điều kiện về độ tuổi và sức khỏe. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể về việc hiểu biết quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Theo ông Minh, thanh thiếu niên khi tham gia giao thông cần trang bị những kỹ năng cơ bản như kiểm soát tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách và xe tải. Những kỹ năng này không quá phức tạp và có thể được các trường học giảng dạy trong 1 - 2 ngày, hoặc phụ huynh có thể dạy con em mình qua việc kết hợp lý thuyết và thực hành.

Để giúp học sinh hiểu biết về các quy tắc giao thông và có kỹ năng lái xe cơ bản, ông Minh đề xuất nhóm thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi nên được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe. Nhà trường có thể phối hợp với cơ quan cảnh sát giao thông và các cơ sở đào tạo để tổ chức kỳ thi. Các cơ quan chức năng cũng có thể phát hành tài liệu hướng dẫn cơ bản cho các gia đình, giúp phụ huynh và nhà trường dễ dàng tổ chức thi cho trẻ.

Ông Minh khẳng định, nội dung thi và việc cấp chứng chỉ nhằm nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông, không nên làm khó cho học sinh và gia đình.

Trước đó, khi góp ý về Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất người từ đủ 15 tuổi trở lên sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng AM, cho phép điều khiển xe máy. Người sở hữu giấy phép lái xe hạng AM khi đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe hạng A1 sẽ được miễn kiểm tra lý thuyết.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xe máy (bao gồm cả xe máy điện) là nguyên nhân gây ra 60% số vụ tai nạn giao thông và gần 90% số nạn nhân thương vong trong các vụ tai nạn giao thông là người đi mô tô, xe máy, với mức độ nguy hiểm gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt và 13 lần tàu điện đô thị.

Đặc biệt, số lượng người điều khiển mô tô, xe gắn máy trong độ tuổi từ 16 - 18 tuổi rất lớn (hơn 3 triệu người), trong khi nhận thức xã hội và kiến thức về an toàn giao thông của nhóm này còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành và dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, việc cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này vẫn chưa bắt buộc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và trật tự xã hội.

Cục Đăng kiểm nhấn mạnh, nguyên nhân chính của tai nạn giao thông là do vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông, vì vậy việc quy định độ tuổi đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho nhóm thanh thiếu niên này là cần thiết và phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.