"Điểm mặt" những chi tiết thiết kế đắt đỏ nhưng dễ trở thành gánh nặng cho gia chủ

Trong quá trình chuẩn bị xây mới hoặc cải tạo nhà, hầu hết ai cũng mong muốn căn nhà của mình đầy đủ tiện nghi và thẩm mỹ. Tuy nhiên có những chi tiết thiết kế hay những món đồ nội thất cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định “xuống tiền”. Bởi dù chúng tiện nghi và đẹp mắt nhưng có thể sau vài năm sẽ trở thành gánh nặng cho gia chủ.

Làm bể bơi trên mái

Khi xây nhà mới, anh Thanh (45 tuổi, Q. 7, TP. HCM) đã quyết định làm bể bơi trên mái nhằm mục đích chống nóng cho phòng ngủ ở tầng 4. Bể bơi rộng 36m2 với độ sâu từ 0,7 – 1,4m có chi phí lên tới 400 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chỉ xây nhà 4 tầng trên ô đất diện tích 70m2 và không có bể bơi thì anh Thanh chỉ cần bỏ ra 1,7 tỷ đồng để hoàn thiện cơ bản.

Thời gian đầu khi có bể bơi, gia đình anh Thanh cảm thấy rất thích thú, chiều nào trẻ con cũng rủ nhau bơi lội vui vẻ. Tuy nhiên thời gian sau, với lịch trình làm việc và học hành bận rộn, gia đình anh Thanh không còn dành nhiều thời gian cho bơi lội. Bên cạnh đó, các con anh vẫn thích bơi ở các bể bơi lớn tại trung tâm thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng.

Mặc dù bơi lội ít nhưng gia đình anh Thanh vẫn phải chi khoảng 15 triệu đồng/tháng để thuê dịch vụ vệ sinh bể bơi. Hàng tuần nhân viên vệ sinh sẽ tới hút bụi bẩn, vớt rác trên bề mặt hồ bơi, sục khí Clo làm sạch và cọ rửa vệ sinh thành bề bơi.

Anh Thanh cho biết đã từng tạm ngừng dịch vụ vệ sinh một thời gian, tuy nhiên sau đó bể bơi xuất hiện rong rêu, rác thải và trở nên cũ kỹ, nhếch nhác. Hiện nay anh đã rút hết nước khỏi bể bơi và đang tính toán, cân nhắc chuyển đổi sang làm hồ nuôi cá hoặc làm sân vườn.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, KTS Phạm Thanh Truyền (TGĐ Cát Mộc Group) và KTS Huỳnh Xuân Hải (Giám đốc Kiến thiết Việt) cho biết đã gặp rất nhiều gia chủ xây bể bơi trong nhà, trên mái nhưng chỉ háo hức thời gian đầu sau đó nhanh chán.

Làm hồ bơi trên mái được xem là biện pháp chống nóng tuyệt vời cho tầng dưới, đồng thời tăng tiện ích, tạo cảnh quan cho sân thượng. Tuy nhiên việc thi công mái nhà có bể bơi khó hơn bình thường, phải tính kết cấu và chống thấm đúng kỹ thuật. Bởi nếu thi công sai sẽ khiến căn nhà bị thấm, dột.

Bỏ tiền mua sofa đắt tiền

Lần đầu tiên sở hữu căn hộ riêng tại chung cư cao cấp, người phụ nữ độc thân ở Hà Nội đã quyết định “xuống tiền” mua bộ sofa da xịn nhập khẩu Italia có giá lên tới mấy chục triệu đồng.

Mặc dù chi nhiều tiền cho bộ sofa nhưng nó lại không được sử dụng thường xuyên vì gia chủ suốt ngày đi làm và du lịch. Chỉ mỗi dịp lễ tết khi có nhiều anh em họ hàng và bạn bè tới chơi, bộ sofa mới phát huy tác dụng. Gia chủ cho biết đã từng cảm thấy tiếc nuối và hối hận khi bỏ quá nhiều tiền mua ghế sofa nhưng lại không muốn thanh lý vì mất giá.

Rước khổ vào thân vì bể cá tự xây

Quá trình xây nhà, do còn thừa một phần diện tích trống trên mái nên gia đình anh Tâm (Quảng Ninh) đã quyết định xây bể cá dài 3,2m, rộng 2m, sâu 30cm.

Thời gian đầu có bể cá, gia đình anh háo hứng mua cá cảnh về thả. Nhưng chỉ ít lâu sau, gia đình anh Tâm đã cảm thấy mệt mỏi vì phải duy trì vệ sinh cho bể cá. Trung bình nửa tháng, anh Tâm phải dành thời gian 2 tiếng để vệ sinh, cọ rửa bể cá. Chưa kể thời điểm trời quá nóng hoặc cá lạnh, các loại cá đều rất dễ chết.

Chỉ vì bể cá mà gia đình anh Tâm vất vả suốt nhiều năm trời, sau đó anh tháo hết nước và không thả cá nữa. Anh tính đổ đất vào khu vực đó để trồng rau nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì những lý do riêng.

Bỏ phí hệ tủ tường gỗ sồi cả trăm triệu

Khi chuyển sang sống ở một căn hộ mới rộng 135m2, gia đình chị Hồng (Hà Nội) quyết định đầu tư hệ thống tủ lớn, kín nhiều mảng tường. Xác định sẽ ở lâu dài nên chị Hồng muốn làm tủ kệ bằng gỗ sồi chắc chắn. Hầu hết các không gian trong nhà như: phòng khách và 3 phòng ngủ đều sử dụng hệ tủ sát tường cao kịch trần với chi phí hơn 100 triệu.

Thời gian đầu, gia đình chị Hồng rất hài lòng với hệ tủ gỗ vì có thể cất giữ khối đồ đạc khổng lồ, căn nhà trở nên gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng chỉ sau vài tháng, gia đình chị Hồng bắt đầu thấy bất tiện do hệ tủ gỗ sồi chiếm trọn mảng tường. Hơn nữa hệ tủ có quá nhiều cánh khiến các thành viên hay nhầm lẫn, nhất là với người lớn tuổi như bố mẹ chồng của chị.

Để giải quyết vấn đề này, chị Hồng đã phải dành nguyên một buổi để dán nhãn đánh dấu lên các ngăn tủ nhắm giúp mọi người tìm đồ đạc dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc dán nhãn lại khiến hệ tủ trở nên mất thẩm mỹ, mất đi vẻ sang trọng ban đầu.

Những câu chuyện kể trên là một trong những ví dụ điển hình để các gia chủ tham khảo, từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn, xứng đáng với số tiền đã bỏ ra. Quan trọng nhất là khi xây nhà cần xác định nhu cầu sử dụng thực thế và lâu dài, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.