Hà Nội triển khai dự án hầm chui Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy nhằm giải quyết xung đột giao thông

Để giảm ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc đường Vành đai 2, Hà Nội đang chuẩn bị các thủ tục khởi công xây dựng hầm chui Cổ Linh – cầu Vĩnh Tuy với tổng vốn đầu tư gần 750 tỷ đồng.

Liên quan tới dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh – đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy (Vành đai 2), mới đây, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện.

Dự án hầm chui tại nút giao Cổ Linh – đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy có tất cả 22 gói thầu, thực hiện trong giai đoạn từ 2023 – 2024 với quy mô vốn khoảng 747,6 tỷ đồng.

Hầm có chiều dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt mỗi chiều hầm khoảng 7,75m tương đương 2 làn xe cơ giới/mỗi chiều.

Hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy có chiều dài khoảng 500m (Ảnh: Vĩnh Hoàng - Lao động)

Theo dự kiến hầm chui này sẽ được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy – Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp của hầm gồm hầm kín, hầm hở, gờ chắn ở hai đầu xuống hầm, tường chắn hai bên, đường dẫn.

Hầm chui này được yêu cầu hồ sơ, thông số thiết kế cùng chức năng sử dụng như các hầm chui Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Trung Hòa đã đưa vào sử dụng.

Sau khi hầm chui hoàn thiện và thông xe, tại khu vực nút giao Cổ Linh – đường dẫn đầu cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao thông 3 tầng với cầu vượt, hầm chui và đường ở nút giao hiện hữu.

Trước đó, sau khi thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, để giải quyết ùn tắc và giảm xung đột giao thông cho khu vực phía Đông, Đông Bắc Vành đai 2, UBND TP. Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan lên phương án xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh – cầu Vĩnh Tuy.

Theo dự báo của Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), tới năm 2050, số lượng phương tiện lưu thông theo hướng Quốc lộ 5 về cầu Vĩnh Tuy sẽ đạt khoảng 50.232 phương tiện/ngày đêm. Theo chiều ngược lại từ cầu Vĩnh Tuy đến Quốc lộ 5 khoảng 45.175 phương tiện/ngày đêm. Theo thời gian, lưu lượng giao thông qua nút giao Cổ Linh được dự báo tiếp tục tăng cao. Do đó, TP. Hà Nội cần tập trung giải quyết dứt điểm trình trạng ùn tắc tại ngã tư Cổ Linh – cầu Vĩnh Tuy. Phương án giải quyết tối ưu nhất là đầu tư xây dựng hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung, mở hướng lưu thông khác qua nút.

Hầm chui Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy hoàn thiện sẽ là hầm chui thứ 6 của TP. Hà Nội

Căn cứ vào đó, TEDI đã trình lên 3 phương án thiết kế hầm chui Cổ Linh: Phương án 1 là xây hầm chui trực thông trên đường Đàm Quang Trung; phương án 2 xây hầm chui trực thông theo hướng Đàm Quang Trung kết hợp cầu chữ C cho hướng rẽ trái Cổ Linh – Vĩnh Tuy; phương án 3 là làm hầm chữ Y.

Với 3 phương án kể trên, TEDI cho rằng phương án 1 là ưu việt nhất. Bởi phương án này sẽ trực tiếp giải quyết xung đột giao thông tại nút khi tách được 2 luồng giao thông từ Cổ Linh đi Thạch Bàn và từ cầu Vĩnh Tuy đi Đàm Quang Trung.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hầm chui Cổ Linh – Cầu Vĩnh Tuy cũng thuận lợi hơn khi không phải giải phóng mặt bằng, từ đó tiết kiệm chi phí và rút ngắn được thời gian thi công.

Trong khi đó, nếu đầu tư xây dựng theo phương án 2 hoặc 3 thi việc giải phóng mặt bằng được xem là thách thức lớn, ngoài ra thời gian xây dựng cũng kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông của người dân trong khu vực.

Hiện nay, TP. Hà Nội có tất cả 4 hầm chui đã được đưa vào sử dụng và 1 hầm chui đang xây dựng. 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại các nút giao thông lớn, bao gồm: Hầm chui Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương. Còn hầm chui đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng – Kim Đồng.

Có thể thấy khi hầm chui tại nút giao Cổ Linh – cầu Vĩnh Tuy được triển khai và đưa vào sử dụng thì đây sẽ là hầm chui thứ 6 của TP. Hà Nội, góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này vào khung giờ cao điểm.