Trước đây, mỗi lần đi chợ truyền thống, chị Quỳnh Anh (Ba Đình, Hà Nội) sẽ mang về nhà không dưới 20 chiếc túi nylon với đủ kích cỡ và màu sắc. Mỗi một mặt hàng sẽ được đựng một túi nylon, nhiều người bán hàng còn hào phóng sử dụng 2 - 3 túi để đựng cho chắc.
Nhìn túi nilon chất đống trong bếp, Quỳnh Anh quyết định mua một chiếc giỏ kéo để sử dụng khi đi chợ. Đây là loại giỏ nhựa với tay kéo kim loại, thiết kế theo phong cách của Hàn Quốc nên trông khá trẻ trung, hiện đại, phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Thay vì “tay xách nách mang” như trước, giờ đây đồ dùng, thức ăn được cô sắp xếp tiện lợi, gọn gàng trong giỏ kéo. Cô cho biết, việc đi chợ nhờ thế cũng trở nên nhàn hơn.
Quan trọng nhất, việc sử dụng chiếc giỏ kéo đã giúp cho gia đình Quỳnh Anh giảm hẳn rác thải túi nilon, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Quỳnh Anh còn hào hứng đăng tải hình ảnh chiếc giỏ kéo cùng với dòng trạng thái “Từ nay có thể tự tin đị chợ và hô to “Cháu không lấy túi nilon” lên mạng xã hội. Cô nhận được rất nhiều lượt thích cùng bình luận đồng tình của bạn bè.
Cô cho biết, việc mình đăng tải lên mạng xã hội không phải để “khoe” mà đây là một cách kêu gọi bạn bè, người thân mua giỏ đi chợ giống như mình thay cho việc sử dụng túi nylon.
Chị Phương Nhung (ở TP. HCM) - một người trẻ "nghiện cà phê" cũng đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Thay vì nhận cốc nhựa, cốc giấy của quán, cô chủ động mang bình cà phê cá nhân. Phương Nhung chia sẻ, thói quen này vừa sạch sẽ, tốt cho sức khỏe, vừa hạn chế sử dụng cốc dùng một lần. Nhiều quán cà phê cũng khuyến khích khách hàng mang vật đựng cá nhân, đổi lại sẽ nhận được ưu đãi của quán.
Không chỉ tự mình thay đổi, Phương Nhung còn mong ngày càng có nhiều người quan tâm bảo vệ môi trường từ những thói quen nhỏ của bản thân. Trên trang cá nhân, cô thường xuyên đăng tải hình ảnh bản thân tại quán cà phê với chiếc bình hoặc cốc mà mình mang theo. Cô hy vọng đó sẽ như một thông điệp bảo vệ môi trường gửi đến bạn bè.
Bắt kịp với xu hướng sống xanh của các bạn trẻ, Hà Ly (Hà Nội) mở một cửa hàng bán những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó là những chiếc cốc được làm từ sợi lúa mạch có thể tự phân hủy, túi vải, giỏ kéo… hay các sản phẩm được tái chế.
Ngoài bán sản phẩm, Hà Ly còn tổ chức nhiều sự kiện để các bạn trẻ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, nhận thức rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng túi nilon, đồ nhựa. Hà Ly bộc bạch, lượng khách tại cửa hàng của cô đang có xu hướng tăng. Đó là một tín hiệu tích cực chứng minh những điều cô đang làm có sức lan tỏa nhất định.
Cô hy vọng trong tương lai có thể xây dựng một cộng đồng các bạn trẻ có chung sở thích kinh doanh mặt hàng giống như vậy, cùng nhau tạo ra các dự án lớn lao hơn về môi trường, góp phần tác động mạnh mẽ đến thói quen của các bạn trẻ.