Bổ cập trực tiếp nước từ hồ Tây không khả thi
Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch. Một trong những giải pháp lớn nhất và được đầu tư nhiều tiền của nhất là xây dựng hệ thống cống ngầm để tách nước thải khỏi dòng sông. Hai bờ sông Tô Lịch hiện có gần 300 cống, mỗi ngày khoảng 150.000m3 nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp xuống sông.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được khởi công từ tháng 10/2016 nhằm tách nước thải khỏi sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực Hà Đông. Tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD. Dự án này có tổng công suất 270.000m3/ngày đêm. Nhưng đến nay, nhà máy xử lý mới hoàn thành và bắt đầu vận hành thử từ ngày 1/12/2024, với công suất 100.000m3/ngày đêm. Thời gian vận hành thử kéo dài trong vòng 6 tháng.
Gói thầu xây dựng tuyến cống ngầm dọc hai bờ sông Tô Lịch đã hoàn thành khoảng 98%. Hiện nay, công tác hoàn trả mặt bằng đang được thực hiện và dự kiến hoàn tất vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 11/2024, các ống cống vẫn tiếp tục xả nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông Tô Lịch.
Hơn 8 năm sau khi khởi công, dự án với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, hàng ngày sông Tô Lịch vẫn tiếp tục oằn mình chịu đựng hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dòng sông vẫn giữ nguyên tình trạng ô nhiễm, đen ngòm và nồng nặc mùi hôi, khiến nỗ lực khôi phục môi trường của Hà Nội chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Sáng ngày 2/12, bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện đã có buổi kiểm tra tiến độ hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch. Đoàn công tác đã có mặt tại cửa điều tiết A hồ Tây (phố Trích Sài, quận Tây Hồ) để kiểm tra thực tế và mở cửa điều tiết, xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm hỗ trợ làm sạch sông.
Khi đoàn công tác mở cửa xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, nếu tiếp tục xả nước trong vòng hai giờ liên tục, hồ Tây sẽ bị cạn kiệt nước.
Sau khi quan sát và nghe báo cáo từ chính quyền địa phương, bà Bùi Thị Minh Hoài cho biết, nếu việc làm sạch sông Tô Lịch ảnh hưởng đến hồ Tây, thì đây là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, bà yêu cầu các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng phương án làm nhanh một đường ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Xây đường ống dẫn nước về sông Tô Lịch
Báo cáo với lãnh đạo thành phố, ông Võ Nguyên Phong Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong kế hoạch xây dựng ống ngầm dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch, Sở đã nghiên cứu và tính toán các phương án khả thi.
Phương án tối ưu hiện nay là lấy nước từ sông Hồng, đưa vào ngõ 464 Âu Cơ, sau đó đi ngầm qua đường Âu Cơ. Tuy nhiên, khó khăn lớn là đường Âu Cơ vừa mới hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp, vì vậy việc đặt ống ngầm qua khu vực này cần phải được tính toán rất kỹ về mặt kỹ thuật.
Ông Phong cũng đề xuất một phương án khác là cho đường ống đi qua đoạn đường An Dương Vương, phía trên cầu Nhật Tân. Đoạn đường này chưa được cải tạo, nên đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Sau đó, đường ống sẽ tiếp tục đi qua đường Lạc Long Quân và dẫn nước vào hồ Tây. Phương án này đã được Sở Xây dựng khảo sát và đây cũng là tuyến có cự ly khá ngắn để đưa nước về hồ Tây.
Khi nước được dẫn về hồ Tây, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cam kết sẽ bổ sung các trạm bơm để đảm bảo việc bơm nước và duy trì dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi đi kiểm tra, Hà Nội quyết định triển khai 1 dự án khẩn cấp để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Ông yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn tất thủ tục trong vòng 3 tháng và tiến hành thi công trong 6 tháng để đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, thông qua hồ Tây.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, đây là dự án khẩn cấp phải làm, xử lý thủ tục phải thật nhanh. Về phương án triển khai, ông Thanh gợi mở cách làm: Việc lấy nước từ sông Hồng về hồ Tây nên có 2 đường ống. Cụ thể, một đường ống bổ cập cho hồ Tây khi cần thiết. Đường ống còn lại thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch, chạy độc lập bằng ống thép, đi ngầm dưới lòng hồ, bơm thẳng vào sông Tô Lịch để không pha loãng nước hồ Tây.
Ông Thanh cảnh báo, nếu dẫn nước vào mà làm loãng nước hồ Tây, có thể làm biến dạng hệ sinh thái của hồ Tây. Do đó, cứ bơm vào hồ Tây, rồi để nước tự tràn vào sông Tô Lịch không phải là giải pháp.
Lưu ý thêm về tiến độ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu phải làm nhanh để "bảo vệ môi trường thủ đô". Ông cho biết thời gian tới thành phố sẽ phát động phong trào Hà Nội sạch, bởi hiện nay thủ đô mọi mặt đều tốt, nhưng môi trường lại ô nhiễm.
Trước đó, việc đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch được nhiều chuyên gia đánh giá là phương án khả thi. Giáo sư Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay các họng nước thải dọc sông Tô Lịch đã bắt đầu ngừng xả trực tiếp ra dòng sông. Thành phố hiện đang gom các nguồn nước thải vào một đường ống chung để dẫn đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Tuy nhiên, sau khi xử lý, nước từ nhà máy sẽ không được trả lại sông Tô Lịch vì nhà máy này nằm ở hạ nguồn của sông. Điều này khiến dòng chảy của sông Tô Lịch bị "ngừng" và có thể dẫn đến tình trạng nước sông phát sinh mùi hôi thối. Vì vậy, cần có giải pháp vừa đưa nước về sông Tô Lịch, vừa xử lý nước thải tập trung tại Nhà máy Yên Xá để đảm bảo chất lượng môi trường.