Hà Nội lên tiếng về nhà tập thể xuống cấp đến mức "không dám bước mạnh" khi lên cầu thang

UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Xây dựng về kết quả kiểm tra, xử lý tình trạng khu nhà tập thể Đại học Thương mại xuống cấp nghiêm trọng.

Liên quan đến bài viết "Ám ảnh với cầu thang "không cả dám bước mạnh" trong khu tập thể Trường Đại học Thương mại” mà Đô Thị Mới từng phản ánh, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc này.
 
Trao đổi với Đô Thị Mới, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Cầu Giấy khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Xây dựng về kết quả kiểm tra, xử lý tình trạng khu nhà tập thể Đại học Thương mại xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tập thể E1 tại ngõ 29 Dương Khuê có nguồn gốc là nhà ăn của trường (không phải nhà ở). Về bản chất, E1 là nhà chuyên dùng, thuộc sở hữu của Nhà nước. Do đó, Đại học Thương mại phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị Đại học Thương mại liên hệ với Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Trao đổi với PV, ông Phan Đình Quyết  - đại diện truyền thông Đại học Thương Mại cho biết phía trường đã nắm bắt được thông tin và đang thực hiện theo hướng dẫn.
 
Trước đó, phía Nhà trường cho biết: Bản chất của khu tập thể E1 vốn dĩ là nhà ăn của trường. Sau đó, nhà trường cho các cán bộ, giáo viên mượn để làm nhà ở tạm. Do đó, các phòng được cải tạo thành căn hộ. Đến hiện tại, chỉ còn số ít người mà nhà trường cho mượn sinh sống ở đây, còn chủ yếu là người thuê lại. Nhưng sau nhiều thập kỷ, việc “đòi” lại các căn hộ trong khu nhà để cải tạo gặp rất nhiều thách thức...
 
Chia sẻ với Đô Thị Mới, bà Ngô Thị Hương (cư dân đã sinh sống tại nhà tập thể E1 hơn 10 năm) cho biết: Khu nhà xây dựng đã lâu nên xuống cấp trầm trọng. Khi mưa gió, nhiều khu vực bị thấm, dột, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.
 
Do đó, bà Hương và các cư dân hi vọng khu nhà sớm được đưa vào diện cải tạo, sửa sang để cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Được biết, khu tập thể E1 được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Sau hơn 6 thập kỷ, hệ thống kết cấu của khu tập thể đã không còn chắc, các mảng tường nứt vỡ, vôi vữa bong tróc và ẩm mốc. 
 
Tình trạng cầu thang ở mức báo động, các thanh sắt hoen gỉ, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ. Mỗi khi đi lại, người dân phải di chuyển chậm rãi và không mang vác đồ nặng.
 
Thêm vào đó, việc hệ thống điện cũ kỹ, thiếu ánh sáng và tình trạng cơi nới chuồng cọp trong khu tập thể cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng việc cải tạo, xử lý các khu nhà tập thể, chung cư cũ như  E1 là vấn đề cấp bách mà UBND TP. Hà Nội phải ưu tiên giải quyết. Đồng thời, việc cải tạo cần được thực hiện theo quy trình bài bản, khoa học, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế...