Tấp nập dâng hương, lễ chùa
Trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng nghìn người đã đến các cơ sở chùa, đền, phủ tại Hà Nội để đi lễ đầu năm. Như tại Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), người đến tham quan và dâng hương đông nghịt.
Khu vực sân chính của Phủ Tây Hồ kín người, ai nấy đều chắp tay thành tâm dâng hương. Bàn lễ cũng chật kín, không còn chỗ trống. Phủ Tây Hồ thờ Bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật trong truyền thuyết và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt.
Khánh Huyền (25 tuổi) cùng đồng nghiệp đã tranh thủ buổi trưa di chuyển hơn 30 phút từ Mỹ Đình tới Phủ Tây Hồ để đi lễ đầu năm. Cô chia sẻ, năm mới cô mong bản thân sẽ gặp nhiều thành công hơn trong công việc, cũng cầu cho gia đình luôn bình an, sức khỏe và hạnh phúc.
Trong khi đó, chị Trần Thị Minh (Đống Đa) chia sẻ, chị đón Tết ở quê chồng, ngày mùng 5 mới lên lại Hà Nội. Hôm nay, chị tranh thủ công ty khai xuân xong, cho phép nhân viên thoải mái thời gian buổi chiều nên chị tranh thủ tới chùa dâng hương.
Chị Minh bảo, chị phải mất 30 phút chờ mới chen lên được gần bàn lễ. Nhiều người không chen vào được, phải đứng ngoài cửa chắp tay kính lễ.
Một tiểu thương bán hàng ở lối vào cho biết, cảnh tượng này thường chỉ xuất hiện vào ngày mùng 1 Tết, những ngày sau đó cũng đông nhưng không quá tải. Hôm này là ngày đầu đi làm của năm mới, nhiều người mới từ quê trở lại thành phố làm việc nên Phủ Tây Hồ mới lại ken đặc khách đến dâng hương.
Tương tự, tại chùa Trấn Quốc, người dân và du khách cũng đổ về đông đúc. Chùa Trấn Quốc - một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của Hà Nội là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô và du khách thập phương mỗi dịp lễ, Tết.
Bà Trần Thị Vẻ (Long Biên) cho biết, mùng 6 Tết năm nào, bà cũng đến chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ để thắp hương cầu mong sức khỏe, bình an, gia đình hạnh phúc và con cái thành đạt. Việc đi lễ chùa đầu năm là một phong tục tốt đẹp của dân tộc, giúp tâm hồn thanh thản, đồng thời là dịp để con cháu học hỏi những điều hay lẽ phải mà Phật dạy.
Còn tại chùa Hà (quận Cầu Giấy), mặc dù thời tiết lạnh giá, nhưng vẫn có nhiều người dân và du khách vẫn tranh thủ thời gian để đến lễ. Bên trong sân, từng tốp người, chủ yếu là dân văn phòng và sinh viên, đến dâng hương cầu may.
Anh Vũ Trọng Anh (quận Đống Đa) cùng các đồng nghiệp cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến chùa cầu may, đặc biệt là về đường tình duyên trong năm mới. Anh chia sẻ, năm nào nhóm anh cũng đến chùa Hà vào ngày đầu làm việc để cầu sức khỏe, bình an và một năm tình duyên thuận lợi.
Nhiều bạn trẻ tới đây cũng cho biết, chùa Hà nổi tiếng là địa điểm linh thiêng, đặc biệt trong việc cầu duyên. Đó là lý do khiến rất đông người trẻ chọn đây làm địa điểm đi lễ đầu năm.
Văn minh khi đi lễ chùa
Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa, thể hiện mong muốn hướng đến cái thiện và cầu xin sự bình an, may mắn, giúp con người vượt qua khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Nhiều người cũng quan niệm việc đến chùa, đền là để sửa mình, thanh tịnh cả về thể chất lẫn linh hồn.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chen lấn, xô đẩy tại một số đền, chùa, và không ít người khi đi lễ lại mặc trang phục không phù hợp như áo ngắn, quần cộc, hoặc có hành vi thiếu văn minh, gây phản cảm và làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng nơi cửa Phật.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân khách quan là công tác tổ chức và tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả.
Mỗi đền, chùa đều có ban quản lý, ngoài việc bảo vệ di tích, còn có nhiệm vụ nhắc nhở du khách về những hành vi thiếu văn minh. Tuy nhiên, các ban quản lý chưa phát huy hiệu quả công tác này. Điều quan trọng là nhận thức của người dân chưa đầy đủ, nhiều người đi lễ chùa đầu năm chỉ theo phong trào, không quan tâm đúng mức đến các quy định và chuẩn mực ứng xử, dẫn đến những hình ảnh không đẹp, thậm chí phản cảm.
Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, để việc đi lễ đầu năm trở thành thói quen tốt và hành động văn minh, các cấp, ngành cần tập trung vào công tác tuyên truyền với nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, qua nhiều phương tiện truyền thông, để người dân và du khách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của việc đi lễ, cũng như cách thức thực hành văn hóa ứng xử phù hợp với không gian tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các văn bản quản lý nhà nước để phù hợp với từng lễ hội, di tích, đồng thời quy định rõ các nội quy, quy định cụ thể để tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức cộng đồng.