Hà Nội: Nguyên nhân nào khiến dự án xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ gần trì trệ?

Dự án xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ (Q. Đống Đa, Hà Nội) được khởi công từ năm 2020 nhưng tới nay vẫn "đắp chiếu" gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống phường Trung Tự.

Nhà thầu không đáp ứng được năng lực thi công

Gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ có tổng chiều dài khoảng 7,6km và 34 giếng. Gói thầu này nằm trong gói thầu số 3 thuộc Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm mục đích cải tạo môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội.

Gói thầu được khởi công vào tháng 2/2020 và dự kiến sẽ hoàn thành trong 31,5 tháng tức là tới tháng 10/2022. Chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước Hà Nội nay là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội. Đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP xây dựng thương mại An Xuân Thịnh - Công ty CP sông Đà 9.

Người dân phường Trung Tự (Q. Đống Đa) cho biết, khi hay tin dự án xây dựng hệ thống công bao cho sông Lừ được triển khai, hàng nghìn hộ dân sống tại đây đã rất vui mừng vì sắp thoát cảnh “sống chung” với dòng sông nước đen ngòm, đặc quánh và thường xuyên bốc mùi hôi thối.

Khu vực xây dựng dự án tại sông Lừ vẫn án binh bất động sau hơn 4 năm khởi công (Ảnh: Mạnh Thắng, Công Hướng, Đức Nguyễn - Tiền phong)

Tuy nhiên niềm vui ngắn chảy tày gang bởi chỉ sau thời gian ngắn thi công, dự án này đã tạm ngừng hoạt động. Lúc bấy giờ đơn vị thi công mới chỉ triển khai được 1 đoạn hạng mục đục đá kè sông và lắp đặt hệ thống ống cống dưới lòng sông.

Sau nhiều năm trì trệ, khu vực dự án để lại vật liệu ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân. Chưa kể hàng rào sông bằng sắt bị đứt gãy dân tới tình trạng đổ trộm rác, phế thải xuống lòng sông.

Hơn lúc nào hết, người dân mong muốn các cấp chính quyền sớm đốc thúc, tái triển khai dự án, giúp cải thiện môi trường sống cho mọi người.

Được biết, nguyên nhân khiến dự án “bất động” thời gian qua là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư và năng lực thi công của đơn vị nhà thầu.

Những ống cống nằm trơ trọi tại khu vực thi công (Ảnh: Bảo Hân - Hà Nội mới)

Ông Trương Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị Q. Đống Đa cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 960 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của TP. Hà Nội. Thời gian thực hiện từ 2006 – 2016.

UBND Q. Đống Đa được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quy hoạch dự án. Có 7 phường chịu ảnh hưởng của dự án trong đó bao gồm phường Trung Tự. Tới nay, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện cơ bản, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc 96 hộ dân tại phường Trung Tự.

Bên cạnh đó, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đã hết thời gian thực hiện. Từ năm 2021 tới nay chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng. Do đó khối lượng dự án mới chỉ đạt khoảng 10%.

Khó khăn nữa là năng lực thi công của nhà thầu kém, không đáp ứng được yêu cầu nên bị chấm dứt hợp đồng. Hiện, chủ đầu tư đang báo cáo cấp thẩm quyền và tiến hành tổ chức lựa chọn lại nhà thầu để tiếp tục dự án.

Một vài điểm của sông Lừ trở thành bãi tập kết rác thải, mất vệ sinh (Ảnh: Đức Long - Pháp luật Việt Nam)

Thay tên đổi họ và liên tục thay người đại diện doanh nghiệp

Theo tìm hiểu, Công ty CP xây dựng thương mại An Xuân Thịnh đơn vị liên danh thực hiện gói thầu dự án xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ có nhiều yếu tố đáng lưu ý.

Tháng 8/2010, An Xuân Thịnh được thành lập, trụ sở chính tại Q.7, TP. HCM. Tính tới tháng 11/2022, ông Phạm Thanh Hoài là người đại diện kiêm Giám đốc công ty.

Tới tháng 1/2023, An Xuân Thịnh đổi tên thành thành Công ty CP đầu tư – Xây lắp Khánh An do ông Vũ Đình Hưng là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.

Chỉ sau đó 7 tháng tức là tháng 8/2023, công ty này tiếp tục thay đổi người đại diện kiêm Tổng Giám đốc. Cụ thể ông Dương Văn Hiếu (SN 1970) lên nắm quyền.

Có thể thấy, sau khi dừng thi công gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, An Xuân Thịnh đã thay tên đổi họ và liên tục thay đổi người đại diện pháp luật cũng như vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Thông tin thuế của An Xuân Thịnh cho thấy doanh nghiệp này chỉ có 3 lao động

Điểm đặc biệt là trong nội dung thông tin thuế, doanh nghiệp này chỉ có vỏn vẹn 3 lao động. Cuối năm 2016, công ty này tăng vốn điều lệ từ 43,5 lên 120 tỷ đồng. Tới nay vốn điều lệ vẫn giữ nguyên.

An Xuân Thịnh kể từ khi thành lập tới nay đã thực hiện nhiều gói thầu độc lập và liên danh với các doanh nghiệp khác, quy mô từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ.

Cụ thể là các dự án: Nâng cấp Đô thị vùng ĐBS Cửu Long - Tiểu dự án TP. Cần Thơ; Thi công xây dựng hạng mục gói A1.2, gói A1.3, gói A2.1, gói A2.2, gói A2.4, gói A4.1 thuộc gói Thầu K - cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện Môi trường nước TP. HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, Giai đoạn II; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng và tuyến cống bao thu gom và trạm bơm nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành thuộc Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng; gói thầu Hạ tầng Kỹ thuật thuộc dự án Bệnh viện chuyên khoa sản nhi Long An.

Theo ghi nhận, An Xuân Thịnh cũng nhiều lần thế chấp các tài sản (ô tô, máy móc, hợp đồng thi công xây dựng sau khi trúng thầu…) để vay vốn tại các ngân hàng

Giai đoạn 2014 - 2016, An Xuân Thịnh nhiều lần vay vốn tại các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng OCB với tổng giá trị các khoản vay lên đến 275 tỷ đồng.

Giai đoạn 2017 – 2018, doanh nghiệp này vay tại OCB và TPBank khoản tiền 200 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 – 2021, công ty đã ký hợp đồng vay vốn 6 lần tại các ngân hàng nhưng giá trị các khoản vay không được công bố.