Hình ảnh mới nhất của tuyến đường kết nối Bắc Giang - Hà Nội trước ngày hoàn thành

Tuyến đường được kỳ vọng sẽ mở rộng kết nối giao thương liên vùng giữa huyện Sóc Sơn - Hiệp Hoà của Hà Nội - Bắc Giang, tạo cơ hội thu hút đầu tư cho hai địa phương đôi bờ sông Cầu.

Những ngày gần đây, công nhân xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm) đến nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đang cấp tập thực hiện những hạng mục cuối cùng của dự án.
Trao đổi với Đô Thị Mới ngày 12/4, Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn cho biết, dự án được phê duyệt tháng 6/2022.
 
Dự án có 5 gói thầu thi công xây lắp. Từ cuối năm 2022, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ đấu thầu xây lắp.
Song song với phối hợp cùng chính quyền xã Bắc Phú trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu thực hiện thi công ngoài hiện trường từ tháng 6/2023.
 
Tuyến đường có tổng chiều dài 4,2km bao gồm 1 tuyến chính và 2 tuyến nhánh với mức đầu tư khoảng 195 tỷ đồng. 
Theo thiết kế, tuyến chính nối từ cầu Xuân Cẩm đi nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài 3,3km, được thiết kế theo đường cấp 3 đồng bằng, chiều rộng nền đường là 12m.
 
Chia sẻ với PV, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, tuyến đường nối cầu vượt sông Cầu sẽ hoàn thành 100% hạng mục để thông xe kỹ thuật vào ít ngày tới.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, để từng bước hiện thực hoá quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh phía Bắc Thủ đô Hà Nội, bên cạnh tuyến đường kết nối cầu Xuân Cẩm, địa phương đã xác định cần xây dựng 6 tuyến giao thông trọng điểm khác.
 
Đồng thời, dự án được kỳ vọng sẽ mở rộng kết nối giao thương liên vùng giữa hai huyện Sóc Sơn - Hiệp Hoà, cũng như hai tỉnh thành Hà Nội - Bắc Giang; đồng thời tạo cơ hội thu hút đầu tư cho hai địa phương đôi bờ sông Cầu.
 
 
 
Hiện các nhà thầu đã thi công xong lớp bê tông nhựa mặt đường của tuyến chính, đoạn từ ngã 3 thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) đến cuối tuyến nhánh 1, cũng như hệ thống cống ngang đường.
 
Hệ thống cọc tiêu, biển báo, vạch kẻ đường, rào chắn,… đang được gấp rút hoàn thiện.

 

Liên quan đến các tuyến đường vượt sông Cầu, trước đó Đô Thị Mới đã có một số bài viết phản ánh về việc nhiều hộ dân tại khu dân cư Vạn Phúc (phường Vạn An, TP Bắc Ninh) phải gấp rút di tản vì hiện tượng nhà cửa, đất đai sụt lún xuống sông.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông Cầu đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê Hữu Cầu. Tỉnh này xác định nguyên nhân sạt lở là do Vạn Phúc là khu vực dân cư đông đúc lâu đời ở đê Hữu Cầu. Phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng tương tự. Hiện nhân dân địa phương đã xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy.

Mặt khác, đoạn từ K49+300 đến K49+800 là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về địa phận tỉnh Bắc Ninh nên sự biến đổi dòng chảy tại khu vực này trong những năm gần đây đều rất mạnh, gây sạt, trượt tại nhiều vị trí.