Vừa qua, thị trường chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu nóng lên trước thông tin Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi muốn bán 100 triệu cổ phiếu để trả nợ và mua lại một phần của dự án Khu dân cư Đại Nam, Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng – Hàm Liên.
Cụ thể Danh Khôi muốn bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Với số tiền thu được là 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này sẽ dành 520 tỷ để thanh toán nợ thuế, tất toán toàn bộ trái phiếu và nợ vay tại ngân hàng BIDV. Bên cạnh đó, Danh Khôi sẽ dành 195 tỷ đồng để mua một phần của dự án Khu dân cư Đại Nam.
Tại Bình Phước, Khu dân cư Đại Nam có thể nói là dự án lớn nhất. Nơi đây từng được xem là chốn an cư lập nghiệp của người dân và là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư. Đồng thời, dự án này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản Bình Phước. Tới nay, mặc dù một phần hệ thống hạ tầng đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhưng Khu dân cư Đại Nam vẫn là khu đất hoang, nhiều cỏ dại và không có dân cư sinh sống.
Được biết, tháng 6/2018, dự án Khu dân cư Đại Nam được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ xây dựng 1/500.
Khu dân cư rộng hơn 96ha nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 13 thuộc xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước), chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Tân Khai – công ty thành viên của Công ty CP Đại Nam do ông Trần Uy Dũng (Dũng “lò vôi”) làm Chủ tịch HĐQT.
Giai đoạn 2019 – 2020, dự án được UBND tỉnh Bình Phước có 3 lần quyết định chấp thuận cho chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho người sử dụng tự xây dựng nhà ở. Theo đó, số nền đất được phép chuyển nhượng tại dự án khoảng 2.500 nền.
Dự án có quy mô dân số 12.000 người với 2.459 căn biệt thự và nhà phố, 1 trường THPT và 4 trường mẫu giáo.
Mấy năm về trước, trong một bài chia sẻ trên truyền thông, ông Dũng “lò vôi” cho hay, dự án sẽ cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hệ thống điện chiếu sáng trước Tết Nguyên Đán năm 2018. Trong vòng 3 tháng kể từ khi hoàn tất giao dịch, người mua sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng thực tế tới nay, dự án vẫn còn dang dở. Do để hoang hóa trong thời gian dài, nhiều đoạn vỉa hè trong đường giao thông nội khu đã xuống cấp, hư hỏng, cây xanh không được chăm sóc cũng chết khô…
Sở dĩ Khu dân cư Đại Nam không nhận được nhiều sự quan tâm là do dự án cách TP. HCM tới 80km, cách Bình Dương 60km. Ngoài ra, khu vực dự án chủ yếu là công nhân sinh sống trong khi giá đất nền thời điểm 2018 – 2020 quá cao so với thu nhập của người dân lao động (650 triệu đồng/nền).
Thời điểm hiện tại, dự án này đang được các trang bất động sản giao bán với mức 5,6 – 7,2 triệu đồng/m2 đất nền. Như vậy người mua phải chi khoảng 750 triệu để có được một nền đất tại đây.
Như Đô Thị Mới đã thông tin trước đó, đây không phải là lần đầu tiên Khu dân cư Đại Nam của ông Dũng được rao bán. Bởi trước đó vào năm 2022, dự án này đã được chuyển nhượng một phần cho Công ty CP Vinasing Group (trụ sở tại Q. Đống Đa, Hà Nội) với tổng giá trị 2.434 tỷ đồng. Thời điểm đó, thương vụ chuyển nhượng này nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều người.
Theo đó, tổng diện tích gần 220.000m2 của dự án với 1.122 nền đất ở được chuyển nhượng giá 9 triệu đồng/m2; đất thương mại được chuyển nhượng với tổng giá trị hơn 67,3 tỷ đồng (tương đương 6 triệu đồng/m2); đất xây dựng NOXH được nhượng với giá 4 triệu/m2, tổng giá trị khoảng 386,3 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã ký kết, bên Vinasing phải đặt cọc cho doanh nghiệp của ông Dũng 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó thương vụ này không thành công do bên mua không chuyển cọc đúng cam kết. Tháng 5/2022, ông Huỳnh Uy Dũng đã ký văn bản gửi Vinasing Group thông báo chấm dứt hợp đồng ghi nhớ đã ký trước đó.