Lãi suất huy động sẽ tăng dần vào những tháng cuối năm?

Các chuyên gia cho rằng, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang ngày càng tăng cùng tốc độ đi lên của lãi suất và sẽ duy trì trạng thái này trong giai đoạn tới.

Thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng nhóm Big 4  đã “hút” 6,4 triệu tỉ đồng tiền gửi, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.

Tiền đang đổ vào ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm, Agribank là ngân hàng “hút” tiền gửi mạnh nhất với tổng số dư đạt 1,83 triệu tỉ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2023; tiếp đến là BIDV với 1,81 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với đầu năm; VietinBank có số dư tiền gửi là 1,47 triệu tỉ đồng, tăng 4%.

Vietcombank là ngân hàng duy nhất ghi nhận mức huy động giảm 1,5% so với cuối năm ngoái, đạt 1,37 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank lại là ngân hàng có nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất đạt hơn 458.000 tỉ đồng, chiếm 33,3% tổng số tiền gửi khách hàng.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, LPBank, MSB, NCB đang là 3 cái tên dẫn đầu tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng so với đầu năm. Cụ thể, LPBank ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 21,3% với số dư tiền gửi đạt 288.000 tỉ đồng; MSB ghi nhận 152.000 tỉ đồng, tăng 14,6%; NCB hút 85.500 tỉ đồng, tăng 11,6%.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đang ngày càng tăng cùng tốc độ đi lên của lãi suất

Các ngân hàng khác cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tiền gửi như MB tăng 8,34% so với đầu năm, đạt 617.000 tỉ đồng,; Sacombank tăng 7,5% với 544.000 tỉ đồng; ACB có số dư tiền gửi đến cuối tháng 6/2024 là 513.000 tỉ đồng, tăng 6,15%; Techcombank ghi nhận 484.000 tỉ đồng, tăng 5,84%; VPBank đạt 473.000 tỉ đồng, tăng 6,6% và SHB đạt 455.000 tỉ đồng, tăng 2,4%.

Diễn biến tăng tiền gửi tại các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiền gửi duy trì đà tăng từ tháng 4 đến nay. Thống kê lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong tháng 8 được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng với mức 0,1% - 1,3% kỳ hạn, thậm chí lãi suất ở một số ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỉ đồng. Trước đó, số liệu của NHNN cũng cho thấy, lượng tiền gửi tại hệ thống tăng trưởng đều sau mỗi tháng. Cụ thể, nếu như tháng 1/2024, tiền gửi vào hệ thống tăng trưởng âm thì đến tháng 5/2024 đã tăng lên mức 2,8%.

Chuyên gia nói gì?

Trước diễn biến của kênh tiền gửi giai đoạn vừa qua, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, tiền vẫn sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng cùng với tốc độ tăng của lãi suất huy động từ nay đến cuối năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động sẽ dần tăng lên bởi 2 lý do. Thứ nhất, cuối năm là giai đoạn các ngân hàng thường mạnh tay hơn trong hoạt động cho vay, cần nhiều vốn hơn nên phải tăng lãi suất để “hút tiền”.

Thứ hai, việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. Hiện nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm này tăng khoảng 4,5%, nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng là 6%. Nợ xấu và nhu cầu vốn cùng tăng sẽ kéo lãi suất huy động đi lên, từ đó lãi vay cũng tăng theo.

Cũng theo ông Hiếu, khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn, nên việc tăng lãi suất huy động là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản. Dù vậy, vị này lưu ý điều này sẽ đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận từ 3-4%.

Tương tự, TS. Châu Đình Linh – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn gần đây, phản ánh đúng diễn biến thị trường, vì 3 lý do.

Theo đó, lãi suất tăng phù hợp với tương quan lạm phát kỳ vọng; cầu tín dụng dự báo phục hồi rõ rệt hơn trong giai đoạn cuối năm, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn đầu vào; tăng lãi suất huy động để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…

Chỉ tính riêng nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đã “hút” 6,4 triệu tỉ đồng tiền gửi trong quý II/2024

Do vậy, lãi suất huy động tiền đồng thời gian tới không thể hạ nhiệt, một phần vì cầu tín dụng tăng, một phần vì NHNN sẽ duy trì lãi suất liên ngân hàng ở nền cao (4 - 5%) nhằm hạn chế găm giữ, đầu cơ tỷ giá. Lãi suất liên ngân hàng cao sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống, làm tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho thị trường tài chính. Lãi suất tăng sẽ giúp cân bằng các kênh đầu tư, đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Cũng theo ông Nghĩa, lãi suất liên ngân hàng quý I chỉ mới 0,3%, sang quý II đã nhảy vọt lên 4%. Điều này cho thấy thanh khoản đang trở nên có vấn đề. 

Ông Nghĩa cho rằng, mức tăng lãi suất cho vay sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.