Nhận diện ma túy "núp bóng" - mối nguy hại tiềm tàng từ thực phẩm và đồ uống quen thuộc

Gần đây, nhiều loại ma túy nguy hiểm đã "núp bóng" dưới dạng thực phẩm và đồ uống như bánh kẹo, nước giải khát... Những sản phẩm quen thuộc này lại chứa đựng mối nguy hại lớn, có khả năng gây nghiện và tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh.

Mỗi năm lại xuất hiện thêm loại mới

Trong thời gian gần đây, nhiều loại ma túy mới đã xuất hiện, được pha trộn và đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo và thuốc lá điện tử. Đây là một chiến thuật tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.

Thực tế, cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc liên quan đến những loại ma túy mới này. Điển hình như vụ bán nước xoài chứa ma túy tại TP. HCM tháng 10/2020, vụ nhóm học sinh tại Quảng Ninh sử dụng kẹo chứa ma túy bị ngộ độc, phải cấp cứu tháng 10/2021 hay vụ bán socola chứa ma túy tại Đông Anh (Hà Nội) hồi tháng 6/2022…

Loại kẹo mà nhóm 10 học sinh tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng có chứa chất ma túy (Ảnh: Việt Dũng)

Đáng lo ngại, nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao. Không ít thanh niên lạm dụng ma túy tổng hợp trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nhận diện ma túy mới và các động thái của cơ quan chức năng" được Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ Công An tổ chức, Thượng tá Cao Thị Minh Phượng - Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, số lượng ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, trung bình mỗi năm có lực lượng chức năng phát hiện khoảng 5 - 10 chất ma túy mới, chủ yếu thuộc nhóm cần sa tổng hợp. Đây là nhóm ma túy đang được giới trẻ ưa dùng do giá thành phải chăng, dễ sử dụng hơn so với các loại ma túy khác.

Theo Thượng tá Cao Thị Minh Phượng, nhiều loại ma túy hiện nay "núp bóng" dưới dạng thực phẩm, đồ uống và thuốc lá điện tử đang được các đối tượng quảng cáo không phải chất cấm, không gây nghiện và mang lại cảm giác hưng phấn.

Nhưng thực tế, mức độ gây nghiện của ma túy phụ thuộc vào yếu tố di truyền, môi trường xã hội và tâm lý của từng cá nhân, nhưng các loại ma túy này có thể gây hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh ngay từ lần sử dụng đầu tiên. Hậu quả gây tổn thương hệ thần kinh có thể không thể chữa trị, ngay cả khi lượng dùng rất nhỏ, và có thể biểu hiện ngay lập tức hoặc nhiều năm sau.

Đặc biệt, những đối tượng này thường dụ dỗ người khác sử dụng miễn phí trong các buổi tiệc nhóm, từ đó khiến họ "thèm muốn" và khó có thể từ bỏ.

Ma túy hòa tan với nước để sử dụng (Ảnh: Cục C04)

Phân biệt ma túy mới

Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04), các loại ma túy này khó phân biệt hơn so với ma túy truyền thống. Chúng được chia thành các nhóm như: Ma túy methamphetamine (hồng phiến, ma túy đá) thường "núp bóng" dưới dạng đồ uống trà hay cà phê, sử dụng ở những nơi có âm thanh và ánh sáng mạnh để tạo cảm giác hưng phấn.

Trong khi đó, nhóm ma túy cần sa tổng hợp thường xuất hiện dưới dạng bánh, kẹo hoặc thuốc lá. Nhóm ma túy hỗn hợp (thuốc lắc, ketamine, methamphetamine, bùa lưỡi) thường được trộn lẫn và "núp bóng" dưới dạng nước vui.

Gần đây, còn xuất hiện hiện tượng ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử. Việc sử dụng ma túy qua thuốc lá điện tử có thể gây nghiện cao ngay từ lần đầu, tùy thuộc vào thể trạng, tâm lý, gen, và môi trường xã hội của người dùng. Thống kê từ cơ quan chức năng, các loại ma túy mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử đã chiếm hơn 30% số vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá. Khi phát hiện những loại ma túy này, việc xử lý sẽ được thực hiện tương tự như các loại ma túy khác.

Để phân biệt giữa ma túy và các loại thực phẩm, người tiêu dùng có thể dựa vào những yếu tố sau: Thứ nhất, tên gọi của các loại ma túy này rất đa dạng như pod chill, soul chill, nước vui hay bánh lười.

Thứ hai, bao bì rất phong phú, với màu sắc bắt mắt và những ký hiệu lạ như hình con ngựa hay hình lá cây cần sa, thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thứ ba, các loại ma túy này thường được quảng cáo với tác dụng nhanh chóng và mạnh mẽ, không gây nguy hiểm cho sức khỏe và không bị cấm.

Cuối cùng, giá thành của các loại ma túy "núp bóng" này thường cao hơn so với các thực phẩm tương tự.

Nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán và sử dụng các loại ma túy mới, C04 khuyến cáo, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên tuyên truyền về hình dạng và mẫu mã của các loại ma túy này. Do vậy, người dân nên theo dõi thường xuyên các thông tin từ cơ quan chức năng để nhận diện và phòng tránh.

Thời gian tới, C04 sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy mới vào Việt Nam, bao gồm tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận biết các loại ma túy mới, phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc và thường xuyên cập nhật thông tin về tội phạm liên quan đến các loại ma túy này.