Trang trại gà tan hoang vì nước lũ
Ông Hoàng Ngọc Đoàn (ở xã Tàm Xá, Đông Anh) có trang trại nuôi 80.000 con gà. Ngày 10/9, nước lũ dâng nhanh, có thời điểm chỉ sau 1 giờ nước đã cao thêm khoảng 15cm. Ông Đoàn vội vàng tìm cách sơ tán gà vào nơi an toàn hoặc gọi người bán gấp. Nhưng đường vào trang trại bị ngập nên không có xe nào tiếp cận được.
Sáng hôm sau, ông đành phải đưa thuyền nhỏ vào chở gà ra đường ở xã Vĩnh Ngọc bên cạnh để bán. Tuy nhiên, ông chỉ mượn được 3 chiếc thuyền nhỏ, trong đó có một chiếc của lực lượng cứu trợ Bộ Quốc phòng. Người trong gia đình, hàng xóm và lực lượng của địa phương đã giúp ông chuyển gà lên bờ bán gỡ gạc.
Nhìn đàn gà ủ rũ, ướt nhẹp và nước dâng cao, ông Đoàn kêu gọi mọi người giúp ông giải cứu với giá 50.000 đồng/con. Thời điểm này, chị Nguyễn Hiền (ở Ngọc Giang, Vĩnh Ngọc, Đông Anh) đang tham gia hỗ trợ những gia đình ngập lũ ở ven sông Hồng di chuyển đồ đạc, thấy cảnh ông Đoàn bán gà nên đã quay lại clip, đăng lên mạng rao bán giúp ông.
Ông Đoàn chia sẻ, gà ông bán đều khỏe mạnh. Mọi người đến mua rất đông. Nhiều người đứng chờ rất lâu nhưng không mua được vì 20 - 30 phút mới được một chuyến thuyền chở gà ra. Có người nói ông nên tăng giá để gỡ gạc lại. Nhưng vì đã thông báo từ đầu là 50.000 đồng nên ông không muốn thay đổi.
Ông Đoàn bảo, dẫu đắt rẻ thế nào, ông cũng cảm ơn mọi người đã mua gà giúp hôm ấy. Ông chỉ bán "vớt vát" được 2.000 con gà, đưa khoảng 7.000 con gà con lên bờ an toàn, phần còn lại đều bị chết do nước ngập. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 12 - 13 tỷ đồng. 14 năm nuôi gà, chưa năm nào ông gặp thiệt hại nặng như lần này.
Suốt mấy ngày liền, ông Đoàn mất ăn mất ngủ. Ngày 13/9, nước rút, ông mới ra trang trại. Nhìn khung cảnh tan hoang, ông bần thần rất lâu. Ông Đoàn cho biết, đã có đơn gửi lên xã thống kê về thiệt hại và xin văn bản hướng dẫn về các khoản hỗ trợ theo quy định pháp luật, xin hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường để trở lại chăn nuôi sản xuất. Ông cũng xin ngân hàng đáo nợ cho các khoản vay. Dù khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm khôi phục lại trang trại.
Trắng tay sau bão
Hòn Cò, nằm giữa hai khe núi, là một trong những khu vực nuôi thủy sản trọng điểm của Vân Đồn, Quảng Ninh. Khu vực này tập trung hơn 30 hộ nuôi cá lồng và dây hàu. Sau khi bão Yagi quét qua, cả khu vực gần như bị tàn phá hoàn toàn.
Gia đình ông Phạm Văn Dương (Vân Đồn, Quảng Ninh) có 270 lồng bè tại đây. Sau khi bão Yagi tan vài ngày, ông Dương mới chạy thuyền ra nhặt nhạnh tàn tích còn sót lại của số lồng bè này.
Với 30 lồng cá còn sót lại, gia đình ông Dương đã gom những con cá còn khỏe mạnh, dồn vào một ô để tiếp tục chăm sóc. Những con cá nặng 5-7 kg chết nổi trắng mặt nước Vân Đồn, khiến ông và những người làm công vất vả suốt ba ngày nay để vớt và xử lý. Tuy nhiên, số lượng cá còn lại đang dần ngắc ngoải, và ông Dương không biết phải làm thế nào. Nếu bỏ đi thì tiếc, nhưng giữ lại cũng khó vì chúng không thể sống được, mà mang ra chợ thì không ai mua.
Gia đình ông Dương còn nuôi 300 dây hàu, nhưng sau bão, tất cả đều mất tích. Hơn 270 lồng cá song, nhiều lồng đã nuôi được 3 - 5 năm, chuẩn bị thu hoạch, đã mất tới 90%. Thậm chí, con tàu đúc bằng xi măng rộng 6 mét, dài 32 mét, tưởng chừng kiên cố cũng bị cuốn mất, không rõ đi đâu. Tổng thiệt hại lên đến khoảng 35 tỷ đồng.
Ông Dương chia sẻ, bão đã gây đau đớn một lần, hậu bão còn làm đau thêm lần nữa. 40 năm gây dựng, giờ ông mất trắng hết.
Ông Vũ Văn Hựng (57 tuổi) đã bất chấp nguy hiểm để ở lại canh giữ tài sản khi bão Yagi đổ bộ. Tuy nhiên, cơn bão mạnh nhất trong mấy chục năm qua đã khiến ông không còn nơi trú ẩn. Có lúc ông tưởng mình sẽ "làm mồi cho cá" khi sóng biển cao từ 5 - 7 mét liên tiếp đập vào, phá tan mọi thuyền bè kiên cố. Ông Hựng chỉ kịp bám vào mấy dây phao và trôi nổi giữa biển đen mênh mông.
May mắn sau đó, ông bám được vào nhà bếp của bè hàng xóm. Nhà bếp ấy trôi dạt cùng ông khoảng 6 hải lý, cho đến khi mắc vào một eo gió tại Cửa Ông, Cẩm Phả. Nhờ có sẵn gas và lương thực trong bếp, ông trụ được đến khi chính quyền Vân Đồn giải cứu.
Ông Hựng bảo, 2 năm qua, vợ chồng ông vẫn chưa vực dậy được sau đợt khó khăn vì đại dịch Covid-19, giờ lại bị bão Yagi đánh tan tất cả. Toàn bộ số lồng cá trị giá khoảng 4 tỷ đồng, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối năm, giờ đã hoàn toàn biến mất. Ông vốn hy vọng trả hết nợ và có khoản tích góp để về quê, hiện chẳng còn gì nữa.
D.V (Tổng hợp)