Nhiều người phải đổi cách chi tiêu khi thu nhập bất ngờ giảm mạnh

3 tháng đầu năm nay, thu nhập mỗi tháng của anh Duy vẫn trong khoảng 25 - 27 triệu đồng. Nhưng 3 tháng tiếp theo, thu nhập giảm dần còn 17 - 20 triệu đồng. Đến tháng 7, thu nhập của anh chỉ còn 12 triệu đồng/tháng.

Điêu đứng vì thu nhập giảm mạnh

Thống kế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 4/2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 4, có 48.821 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khảo sát tình hình đời sống dân cư, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,2%. Theo đó, thu nhập giảm là do các thành viên mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc.

Anh Trần Đăng Duy đang làm marketing cho một thương hiệu ẩm thực tại quận 10 (TP. HCM) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, thu nhập mỗi tháng của anh vẫn trong khoảng 25 - 27 triệu đồng. Nhưng 3 tháng tiếp theo, thu nhập giảm dần còn 17 - 20 triệu đồng. Đến tháng 7, thu nhập của anh chỉ còn 12 triệu đồng/tháng.

Nhiều người lao động điêu đứng vì thu nhập giảm mạnh

Anh Duy cho biết, thu nhập của nhân viên phụ thuộc vào doanh thu của quán. Lượng khách đến quán ngày càng ít, dẫn đến doanh thu giảm sút trầm trọng nên thu nhập của nhân viên bị ảnh hưởng. Anh Duy tâm sự, thu nhập giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của cả gia đình anh. Anh có ý định tìm chỗ làm việc mới, nhưng tuổi của anh đã thuộc “già” cho các công ty tuyển dụng nên chuyện xin việc không hề dễ dàng.

Chị Đặng Thị Hương (28 tuổi) làm việc cho một cơ sở làm đẹp tại quận Bình Thạnh (TP. HCM) thu nhập cũng đã giảm tới 2/3 trong 2 tháng qua. Chị cho biết, ngày trước lương được 14 triệu đồng/tháng, cộng thêm thu nhập ngoài khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng nữa. Mỗi tháng, cô vẫn còn dư vài triệu đồng. Như hiện nay, thu nhập tăng thêm không còn. Lương cũng giảm chỉ còn 8,2 triệu đồng/tháng.

Chị Hương bộc bạch, chị đang thuê trọ giá 5,5 triệu đồng/tháng, thêm chi phí khác như điện, nước, ăn uống, đi lại… tốn khoảng 6 triệu đồng/tháng nữa. Với thu nhập giảm như hiện nay, chắc chị phải tìm chỗ trọ mới với giá hợp lý hơn.

Lập kế hoạch chi tiêu hợp lý

Rất nhiều người lao động cho biết từng có cuộc sống khá thoải mái với thu nhập tương đối, thậm chí cao, nhưng hiện tại đã rơi vào tình cảnh bế tắc, lao đao vì thu nhập chỉ còn 1/2, 1/3, 1/4 so với trước đây. Không ít người vì thu nhập giảm đã bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu mà trước giờ chưa từng làm.

Không ít gia đình phải điều chỉnh chi tiêu vì bị giảm thu nhập

Chị Nguyễn Thị Nhung (24 tuổi, quận 5, TP. HCM) cho biết, lương của chị đã giảm chỉ còn 10 triệu đồng/tháng khiến chị phải thay đổi lại cách chi tiêu, thắt lưng buộc bụng hơn. Chị lựa chọn ở ghép cùng với 2 người bạn khác để đỡ tiền phòng trọ. Việc này giúp chị tiết kiệm được gần 1 triệu đồng mỗi tháng.

Không những thế, nhu cầu mua sắm quần áo cũng được chị Nhung điều chỉnh lại. Thay vì mua đồ mới liên tục, chị thấy thực sự cần mới mua và thường xuyên canh giờ vàng để săn đồ giảm giá. Chị cũng hạn chế đi ăn uống bên ngoài, tần suất giảm chỉ còn 1 lần/tuần thay vì 3 lần như trước. Chị thực hiện nấu ăn ở nhà mỗi ngày.

Còn chị Nguyễn Thị Cúc (22 tuổi) làm công nhân tại một công ty may trên địa bàn TP. HCM. Thu nhập của chị giảm vì công ty ít đơn hàng. Vốn lương công nhân không cao nên chị trước giờ cũng ít mua sắm. Giờ lương còn giảm nên chị phải cắt giảm tối đa chi phí.

Trước đây đi chợ, chị vẫn chọn chỗ thịt heo ngon để mua nhưng nay chị chọn phần ít người mua như gần má, nách hoặc dưới bụng. Chị bảo, những chỗ này thịt không thơm, có nhiều mỡ nên giá rẻ hơn so với thịt vai, mông hoặc ba chỉ.

Chị Trần Thanh Nga (quận Bình Tân, TP. HCM) cho biết, vợ chồng chị đều bị giảm thu nhập. Thế nên thời gian qua, gia đình chị hạn chế tối đa việc mua đồ ăn sẵn từ bên ngoài. Những món ăn vặt như trà sữa, gà rán, nem nướng, ốc luộc… cũng được cắt bớt dù các con thường xuyên đòi hỏi. Gia đình chị rất thích đi du lịch nhưng đã phải tạm ngừng để tiết kiệm chi tiêu.

Việc mua sắm quần áo không còn trở nên quen thuộc như trước. Chị Nga lựa chọn những thương hiệu bình dân nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp thay vì chọn một số thương hiệu lớn.

Chị Nga chia sẻ, thu nhập giảm thì tiêu ít đi nhưng đừng khiến bản thân kham khổ. Giày dép, quần áo không cần mua sắm thường xuyên nhưng sức khỏe vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Quan trọng hơn cả là tinh thần phải luôn lạc quan, vui vẻ.