Những ngôi nhà nào cần xây gác lửng?
Gác lửng còn được gọi là gác xép hay tầng lửng và là một phần kiến trúc trong nhiều thiết kế nhà ở hiện nay. Để kết nối giữa tầng trệt và gác lửng, cần phải có cầu thang.
Thông thường khi không gian sống của chúng ta hơi nhỏ, cần có thêm không gian để sinh hoạt thì lúc này gác lửng sẽ được thiết kế và phát huy tác dụng. Người ta có thể tận dụng gác lửng để làm phòng ngủ, phòng làm việc, nhà kho, nơi thờ cúng... Bên cạnh đó, thiết kế tầng lửng cũng là ý tưởng hay nếu các gia chủ muốn tiết kiệm chi phí.
Nếu biết cách thiết kế, phần cầu thang gác lửng sẽ đáp ứng được công năng sử dụng, đồng thời tạo nên sự hài hòa về tính thẩm mỹ cho ngôi nhà.
Gác lửng có những loại cầu thang nào?
Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn đối với các mẫu cầu thang gác lửng. Tùy vào thiết kế tổng quan của căn nhà, gia chủ sẽ lựa chọn kiểu dáng và chất liệu sao cho phù hợp. Cụ thể:
- Cầu thang gác lửng bằng gỗ thường dễ dàng bắt gặp trong những ngôi nhà truyền thống. Đây là chất liệu đơn giản, bền đẹp, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ cao.
- Cầu thang gác lửng bằng kính sẽ được làm từ loại kính cường lực với độ dày cao, khả năng chịu nhiệt tốt. Hiện nay, những ngôi nhà có thiết kế hiện đại thường lựa chọn mẫu cầu thang này.
- Cầu thang gác lửng bằng đá tự nhiên hoặc đá nhân tạo cũng là một gợi ý hay. Nhưng trên thực tế do trọng lượng của cầu thang đá khá nặng nên không được nhiều người được sử dụng.
- Cầu thang gác lửng bằng bê tông là mẫu cầu thang phổ biến và được nhiều gia chủ lựa chọn nhất. Loại cầu thang này có ưu điểm là độ bền cao, tiết kiệm chi phí, thời gian thi công nhanh.
- Cầu thang gác lửng bằng thép thường thấy ở các khu nhà trọ, chung cư mini. Thiết kế này khá đơn giản nhưng vẫn mang lại sự tiện lợi, bền chắc cho người sử dụng.
Cầu thang gác lửng cần bố trí thế nào để đẹp và chuẩn phong thủy
Theo phong thủy nhà ở, việc thiết kế cầu thang gác lửng cũng rất được coi trọng. Do đó, khi làm cầu thang gác lửng cần lưu ý để gia đình luôn gặp may mắn, thuận lợi.
- Vị trí đặt cầu thang gác lửng: Theo phong thủy, cầu thang được xem là xương sống trên cơ thể. Do đó, cầu thang gác lửng đẹp, đúng phong thủy là phải đảm bảo luồng khí tốt cho ngôi nhà. Muốn mang lại luồng khí tốt, cầu thang phải được thiết kế, xây dựng và lắp đặt ở vị trí hợp lý. Cầu thang gác lửng tốt nhất không nên đi thẳng ra cửa, bởi như vậy sẽ mang tới nhiều sự bất tiện trong quá trình sử dụng, đồng thời gây trực xung.
Gia chủ có thể khắc phục vấn đề này bằng cách dựng một vách ngăn nhẹ hoặc kê thêm tủ. Cách này sẽ tạo nên sự hài hòa nhất định trong thiết kế kiến trúc tổng thể và mang đến vượng khí cho ngôi nhà. Để cầu thang gác lửng phát huy tính tiện lợi, an toàn thì nên thiết kế và đặt sát sang một bên.
- Số bậc cầu thang: Theo phong thủy, số bậc cầu thang được tính theo công thức là: Số bậc = chiều cao tầng : chiều cao của bậc thang. Người ta thường lựa chọn kích thước phù hợp là 15 - 18cm với chiều rộng là 24 - 30cm. Ở những công trình cơ cấu, chiều cao bậc thang thường được chọn là 14 - 20cm với độ dốc tương ứng là 20 - 45 độ.
Theo quan niệm của người phương Đông, số bậc nên rơi vào số Sinh trong cụm từ “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”. Do đó, số bậc sẽ được tính theo công thức 4n+1 như 17, 21, 25,... Quan niệm này cho rằng, số bậc thang như thế sẽ giúp gia chủ luôn gặp được may mắn, sức khỏe, tài lộc.
- Phong thủy cầu thang gác lửng: Cầu thang gác lửng phải được đặt ở vị trí thoáng đãng, sinh khí dồi dào và mang đến nhiều vượng khí cho toàn bộ căn nhà. Cầu thang đi lên theo hướng tốt sẽ giúp cho sự nghiệp của gia chủ thuận lợi, hanh thông.
Không nên đặt cầu thang ở phía trên giường ngủ, phòng ăn, nhà bếp. Cầu thang cũng không nên đặt hướng ra cửa chính của nhà bởi sẽ khiến cho sức khỏe bị hao tổn, tiền tài thất thoát.
Cầu thang nên được đặt vào các cung có Quý nhân, Thiên Lộc, Thiên mã, Đào Hoa, Dương Quý Nhân và không nên đặt vào các cung có Thiên hình, Đại sát.