Thêm kỳ lân AI của Trung Quốc và Singapore bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ

Công ty khởi nghiệp Zhipu AI - kỳ lân AI mới của Trung Quốc là một trong gần 30 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Singapore vừa bị thêm vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ vào thứ Tư vừa qua, ngay sát thời điểm tổng thống Joe Binden rời nhiệm sở.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Tư đã thêm 25 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và 2 công ty có trụ sở tại Singapore vào danh sách đen thương mại của mình, cáo buộc họ có hỗ trợ cho sự tiến bộ quân sự của Bắc Kinh. Các công ty sẽ bị cấm mua công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Mỹ nếu không có sự chấp thuận đặc biệt của Chính phủ.

Mỹ vừa thêm gần 30 công ty của Trung Quốc và Singapore vào danh sách các thực thể (Danh sách đen thương mại), bao gồm các kỳ lân AI và công ty chip bán dẫn.

Quyết định đột ngột của Nhà Trắng khiến các công ty bất ngờ. Lãnh đạo Zhipu AI cho biết, họ “hoàn toàn không đồng ý” về việc bị Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu và động thái này là “thiếu cơ sở thực tế”, đồng thời nhấn mạnh "sẽ không có tác động đáng kể” đến hoạt động của công ty.

Zhipu là một trong bốn “con hổ AI” của Trung Quốc, đại diện cho hy vọng tốt nhất của đất nước này trong việc thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ. Vào tháng 9 năm ngoái, kỳ lân này được định giá khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (2,7 tỷ USD) và đã nhận được sự hậu thuẫn của Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và HongShan Capital Group.

Zhipu chuyên xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn, loại công nghệ hỗ trợ các dịch vụ AI tạo ra như ChatGPT của OpenAI. Công ty con của họ là Beijing Lingxin Intelligent Technology, cũng có tên trong danh sách đen thương mại mới nhất. Beijing Lingxin Intelligent Technology phát triển các ứng dụng bạn đồng hành AI "có thể hiểu được cảm xúc của con người".

Zhipu AI là một trong những công ty khởi nghiệp AI hàng đầu, một trong 4 "con hổ AI" của Trung Quốc hiện nay.

Danh sách cập nhật cũng bao gồm Sophgo – một công ty thiết kế chip của Trung Quốc vốn đã bị giám sát chặt chẽ từ năm ngoái sau khi phát hiện một con chip mà công ty này đặt hàng từ Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) trùng khớp với con chip được sử dụng trong bộ xử lý của Huawei. Huawei đã bị đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019.

Sophgo có trụ sở tại Bắc Kinh và công ty liên kết của họ - nhà cung cấp thiết bị khai thác bitcoin Bitmain, trước đây đã phủ nhận mọi mối quan hệ kinh doanh với Huawei. Sophgo hiện là công ty thiết kế bộ xử lý và chip AI dựa trên kiến trúc nguồn mở RISC-V, là một đơn vị tích cực trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài của Trung Quốc.

Một thực thể mới được thêm vào là công ty ít được biết đến PowerAIR có trụ sở tại Singapore. TSMC đã chấm dứt mối quan hệ kinh doanh với công ty bí mật này sau khi đánh giá của khách hàng phát hiện ra một vi phạm tiềm ẩn đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Chính quyền của tổng thống Joe Biden trong những ngày gần đây đã đưa ra một loạt các quy tắc và lệnh trừng phạt nhằm hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Vào thứ Tư vừa qua, Mỹ cũng đã thắt chặt các yêu cầu cấp phép đối với các nhà sản xuất chip theo hợp đồng và các công ty đóng gói đang tìm cách xuất khẩu một số chất bán dẫn tiên tiến.

Vào thứ hai trước đó, Mỹ cũng ban hành các quy tắc tăng cường, được thiết kế để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận loạt con chip tiên tiến thông qua những quốc gia trung gian. Theo đó, các công ty như TSMC phải tiến hành thẩm định chặt chẽ hơn đối với những các khách hàng mới, tránh khả năng họ âm thầm mua và chuyển hướng các con chip mạnh mẽ sang Trung Quốc. 

Một số nhóm ủng hộ ngành và công ty bao gồm Nvidia đã lên tiếng phản đối các hạn chế. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Mỹ cho biết các chính sách nhằm ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc có thể phản tác dụng, "làm suy yếu vị thế lãnh đạo và khả năng cạnh tranh" của Mỹ trong ngành chip và AI.