Bán đảo Thanh Đa, thuộc quận Bình Thạnh nằm giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh. Dù có vị trí đắc địa, cách quận 1 chỉ 4 km nhưng nơi đây vẫn còn nhiều nét đặc trưng của vùng nông thôn với ruộng lúa, bãi cỏ, đầm lầy.
Một phần nguyên nhân là bán đảo Thanh Đa gặp hạn chế về hạ tầng giao thông. Vì thế Thành phố Hồ Chí Minh đã quy hoạch 4 cây cầu mới kết nối với bán đảo Thanh Đa để giúp nơi này thoát cảnh nông thôn giữa lòng thành phố. Trong ảnh, phần màu đỏ là vị trí của 4 cây cầu.
Cầu đầu tiên là cầu Kinh 2, nằm song song với cầu Kinh hiện tại. Điểm bắt đầu của cầu Kinh 2 ở đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) sau đó nối qua đường Thanh Đa. Cầu có thiết kế dài 1,2 km với 2 làn xe mỗi chiều cùng với lối đi bộ hai bên.
Dự án cầu Kinh 2 dự kiến sẽ được khởi công trong giai đoạn 2024 - 2025 và hoàn thành trong khoảng 3 - 4 năm. Trên ảnh là đường
Tiếp theo là cầu Bình Quới 1 được thiết kế để bắc qua sông Sài Gòn, nối bán đảo Thanh Đa với thành phố Thủ Đức. Cầu nằm bên cạnh cảng Trường Thọ với chiều dài khoảng 1,5 km.
Kế đến là cầu Bình Quới 2 có điểm bắt đầu từ đường Bình Quới (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) bắc qua đường số 5 (Thành phố Thủ Đức) đâm thẳng ra đại lộ Phạm Văn Đồng. Cầu có thiết kế dài khoảng 1,3 km, đang được đề xuất xây dựng theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao).
Cây cầu cuối cùng nằm trong 4 cây cầu quy hoạch ở bán đảo Thanh Đa là cầu Bình Quới 3. Cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối trực tiếp bán đảo Thanh Đa với khu Thảo Điền (thành phố Thủ Đức).
Với thiết kế chiều dài khoảng 1,4 km; rộng khoảng 32 m tương đương với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn), cầu Bình Quới 3 dự kiến sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là bán đảo Thanh Đa và các khu vực lân cận.
Trên thực tế, dự án quy hoạch 4 cây cầu ở bán đảo Thanh Đa này đã có từ gần 10 năm về trước. Tuy nhiên tới nay mọi thứ vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Một trong nhiều lý do khiến dự án này chưa thể thực hiện được đó là nhà nước gặp khó khăn trong việc giải toả Khu cư xá Thanh Đa. Bên cạnh sự phản đối của người dân, việc đền bù và tái định cư cho cư dân đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí cũng là lý do lớn để việc giải tỏa chưa thể thực hiện.
Tuy nhiên, nếu dự án này thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho khu vực Thanh Đa, từ cải thiện giao thông đến thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân.