Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm "Hoạt động phối hợp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" vừa diễn ra với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm và đồng hành của các tổ chức như World Vision International tại Việt Nam, ChildFund Việt Nam, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, tổ chức cứu trợ trẻ em và Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đặng Vũ Sơn – Phó Chủ tịch VNISA, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ mối lo ngại, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển, các công nghệ hiện đại như AI, big data, IoT… đã trở thành một phần trong học tập, làm việc và giải trí của người dân, đặc biệt là trẻ em. Song hành với những lợi ích to lớn là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt là về an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo ông Đặng Vũ Sơn, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ là bài toán riêng với Việt Nam mà còn là thách thức với nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi sự hợp tác chung tay của nhiều bên.
Đại diện của VNISA cũng chia sẻ, với vai trò của mình, đơn vị đã và đang cam kết đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để thực hiện các sảng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Những hoạt động nổi bật của VNISA như: Tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin”, thành lập câu lạc bộ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (VCSC), ban hành Tiêu chuẩn có sở TCCS:03 về “yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”… VNISA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để cùng nhau xây dựng một môi trường mạng thực sự an toàn và bền vững cho trẻ.
Bà Phan Thị Kim Liên, đại diện Tổ chức Tầm nhìn quốc tế tại Việt Nam (World Vision International Việt Nam) cho biết, cứ 10 trẻ Việt thì có 9 trẻ sử dụng Internet. Trên môi trường mạng, trẻ em vừa là người dùng, vừa là người tạo ra nội dung, có thể là người bị hại nhưng cũng có thể là đối tượng gây hại, … làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có những hành động tự bảo vệ bản thân.
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD cũng chia sẻ một kết quả khảo sát do đơn vị thực hiện gần đây với chủ đề “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” cho thấy, bên cạnh các môi trường gia đình, trường học, cộng đồng thì môi trường mạng đang có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em.
Có tới 83,9% trẻ em được khảo sát có sử dụng điện thoại, tỷ lệ trẻ em sử dụng mạng xã hội là 86,1%. 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1 giờ/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5 giờ/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí, chiếm tới 86%; trong khi tỷ lệ sử dụng cho các mục đích học tập, tìm kiếm thông tin, giao lưu kết bạn lần lượt hơn 75%l trên 66% và 57%.
Một điểm đáng mừng từ kết quả khảo sát là tỷ lệ trẻ em học được những nội dung, kỹ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng đang khá cao. Trong đó, các nội dung liên quan cách phòng nguwaf và bảo vệ bản thân trên môi trường mạng xã hội, các nguy cơ và rủi ro từ mạng xã hội, phòng ngừa lạm dụng và xâm hại tình dục qua mạng xã hội… đều có tỷ lệ trên 70%. Các nội dung về phòng ngừa và bắt nạt qua mạng xã hội có tỷ lệ thấp nhất, đạt 63,4%.
Tỷ lệ trẻ em tự học kiến thức, trang bị kỹ năng tự bảo vệ thông qua các kênh mạng xã hội lại có tỷ lệ cao nhất trong các kênh, chiếm 63,8% trong khi các kênh khác như qua trao đổi, chia sẻ với bạn bè chiếm 46,4%, qua bố mẹ chiếm 51,2%, qua các chia sẻ tại trường học chiếm 56,4%,…
Mặc dù tỷ lệ trẻ em tự trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ qua mạng xã hội rất cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro xuất phát từ việc nhận thức của trẻ còn chưa đầy đủ, cũng như những thông tin, kiến thức trên mạng xã hội luôn cần kiểm chứng về độ chính xác. Vì vậy, rất cần thiết phải có sự quan tâm, đồng hành sâu rộng hơn từ phía nhà trường, phụ huynh khi con trẻ tham gia vào môi trường trực tuyến.