Bị xử phạt vì dựng rạp cưới ở lòng đường
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ để dựng rạp tổ chức đám cưới từ lâu đã gây nhiều tranh cãi. Đầu tháng 11 vừa qua, tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM), người dân bức xúc khi một rạp đám cưới được dựng ngay dưới lòng đường Trung Mỹ Tây 17A, gây cản trở nghiêm trọng giao thông.
Rạp đám cưới này dài hơn 100m, chiếm đến một nửa mặt đường của tuyến đường Trung Mỹ Tây 17A. Các phương tiện qua lại khu vực buộc phải lấn sang làn đường ngược chiều để di chuyển, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trước sự việc, UBND phường Trung Mỹ Tây đã ra quyết định xử phạt anh Đ.V.S. (sinh năm 1974, ngụ tại quận 12) - chủ hộ tổ chức đám cưới với số tiền 2,5 triệu đồng. Anh S. bị xử phạt vì hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho giao thông, vi phạm quy định về sử dụng lòng đường.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lòng đường và hè phố được quy định chỉ sử dụng cho mục đích giao thông, trừ một số trường hợp đặc biệt được phép như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội. Luật nghiêm cấm việc sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, bao gồm họp chợ, phơi nông sản, đặt biển quảng cáo hoặc xây dựng các công trình trái phép.
Trong trường hợp cần sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho mục đích khác, phải có sự cho phép của UBND cấp tỉnh, thành phố và không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, việc cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là việc dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang lấn chiếm lòng đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Thực tế, đã có nhiều vụ xe ôtô lao vào rạp cưới xảy ra thương vong. Điển hình, vào tháng 10/2022, một xe container đâm vào rạp đám cưới dựng giữa đường tại khu vực cầu vượt sông Kinh Môn, nối huyện Kinh Môn với huyện Kim Thành (Hải Dương), gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, vào tháng 5/2022, tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình), một ôtô cũng lao vào rạp đám tang dựng lấn chiếm lòng đường. Những sự việc này là lời cảnh báo về sự nguy hiểm từ việc dựng rạp dưới lòng đường, khi ngày vui hoặc việc hiếu có nguy cơ trở thành thảm họa.
Theo luật sư Dương Văn Mai - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc dựng rạp lấn chiếm lòng đường không chỉ cản trở giao thông mà còn vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, vì là sự kiện đặc biệt như ngày cưới hay việc hiếu, các cơ quan chức năng thường không xử lý triệt để.
Cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè
Để giải quyết vấn đề này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đã quy định chi tiết hơn về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giao trách nhiệm trình Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này và hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Bộ GTVT đề xuất cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trong một số trường hợp đặc biệt như: Tổ chức sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa - thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ứng phó thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống cháy nổ và dịch bệnh; hoặc phục vụ thi công xây dựng công trình. Việc sử dụng này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giao thông và an toàn đường bộ.
Dự thảo nghị định mới đề xuất, người dân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường cấp huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng và đường đô thị, ngoại trừ các tuyến đường phố chính trong đô thị theo quy định. Việc sử dụng này áp dụng cho các mục đích cụ thể như tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám cưới, đám tang; hoặc trông giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, đối với đường cao tốc, việc sử dụng lòng đường cho các mục đích trên là nghiêm cấm, trừ trường hợp đặc biệt phục vụ yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Bộ GTVT cũng quy định rõ quy trình cấp phép cho việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác. Cá nhân, tổ chức phải gửi đơn đề nghị tới cơ quan quản lý có thẩm quyền: Khu quản lý đường bộ đối với quốc lộ, Sở GTVT đối với đường địa phương, UBND cấp huyện, xã đối với đường được giao quản lý và Sở Xây dựng đối với vỉa hè đô thị.
Thời gian giải quyết không quá 1 ngày làm việc với đám tang và không quá 5 ngày với các trường hợp khác. Nếu không chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do từ chối. Người được cấp phép phải cam kết trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè sau khi sử dụng và bồi thường nếu gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong quá trình thảo luận, UBND TP. Hải Phòng đề nghị cần quy định rõ chiều rộng tối thiểu của mặt đường để được sử dụng vào các mục đích khác. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, quy định cụ thể về chiều rộng mặt đường là không khả thi, vì mỗi mục đích sử dụng có yêu cầu khác nhau. Ví dụ, tổ chức sự kiện chính trị như mít tinh có thể cần sử dụng toàn bộ lòng đường, vỉa hè, trong khi tổ chức đám cưới có thể chỉ cần sử dụng một phần vỉa hè.
Một số chuyên gia giao thông cũng đồng tình với đề xuất này. Bởi trong bối cảnh đô thị ngày càng đông đúc, việc cho phép sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho các mục đích hiếu, hỷ là hợp lý. Tuy nhiên, lưu ý cần có quy định chặt chẽ và giám sát nghiêm ngặt để tránh tình trạng buông lỏng quản lý ở cấp địa phương, gây ảnh hưởng đến trật tự và an toàn giao thông.