Từ vụ một cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp đến giải pháp "bịt lỗ hổng" công ty "ma"

Để bịt lỗ hổng thành lập doanh nghiệp “ma” tràn lan nhằm lừa đảo, trục lợi cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật và thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập do một người đứng tên.

Thông tin một người đứng tên đại diện pháp luật cho 116 doanh nghiệp ở TP. HCM trong khoảng thời gian ngắn đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Tất cả 116 công ty này được đăng ký với tên nước ngoài và được đăng ký tại TP. HCM do một cá nhân làm đại diện pháp luật, thời gian thành lập từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. 

Sau vụ việc này, Cục Thuế TP. HCM cho biết đang rà soát và mở rộng ra cả những cá nhân có nhiều doanh nghiệp. Tới đây, quy định sẽ ngày càng chặt chẽ hơn để tránh trường hợp lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mua bán hoá đơn. 

Thực tế, pháp luật hiện hành không quy định, khống chế cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp và đại diện pháp luật cho bao nhiêu doanh nghiệp trong cùng một thời điểm. Đối với vụ việc trên, do phát hiện bất thường nên cơ quan thuế chưa cấp phép sử dụng hoá đơn điện tử, chưa phát sinh hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, có thể thấy kẽ hở khá lớn về mặt pháp lý quy trình thành lập doanh nghiệp. 

anh-1-20240603210329-1719826990.jpg

Vụ việc một cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp trong vòng 3 tháng cho thấy có lỗ hổng rất lớn trong cấp phép đăng ký kinh doanh.

Nhiều chuyên gia quan ngại, việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý. Bởi lẽ, cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn không ai có thể cùng lúc điều hành, đại diện pháp luật trên 100 doanh nghiệp mới thành lập gần như cùng một thời điểm được. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng An, trên thế giới cũng chỉ có một số người khởi nghiệp với việc thành lập một vài doanh nghiệp rồi mở rộng kinh doanh. Và sau thời gian hàng chục năm, họ mới có thể đứng tên hoặc góp vốn vào cả trăm doanh nghiệp. Thế nhưng các chủ doanh nghiệp thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Điều bất thường ở vụ việc một cá nhân đứng tên 116 doanh nghiệp là khi đối tượng thành lập cùng lúc và toàn đặt tên nước ngoài nhưng các cơ quan đăng ký, quản lý lại không có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP. HCM cho biết, hiện nay quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp rất thoáng nên nhiều trường hợp đã lợi dụng thành lập hàng loạt doanh nghiệp để mua bán hoá đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Do vậy, sau khi thành lập, để được sử dụng hoá đơn điện tử thì doanh nghiệp phải có mặt để đối chiếu căn cước công dân. Việc này cũng nhằm mục đích nhận diện, nắm bắt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ. 

1-12024042713263720240628171700-1719826824.png

Cần có quy định chặt hơn đối với số lượng doanh nghiệp mà cá nhân thành lập, đại diện pháp luật để ngăn chặn tội phạm liên quan đến rửa tiền, mua bán hoá đơn.

Để bịt lỗ hổng trong trường hợp các cá nhân thành lập công ty với mục đích xấu, luật sư Lê Thị Vân - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi thành lập doanh nghiệp cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký, trong đó cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Đồng thời, cần quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Và đặc biệt, cần quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên nhằm tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan. 

Theo luật sư Vân, quy định như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm lừa đảo, trục lợi, gian dối. Bên cạnh đó, điều này góp phần vào việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tội phạm liên quan đến hành vi rửa tiền, lừa đảo, mua bán hoá đơn, vận chuyển trái phép tiền tệ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.