Landmark 72 - tòa nhà cao nhất Hà Nội đang được ông chủ Hàn Quốc rao bán?

Tòa tháp chọc trời cao thứ 2 Việt Nam - Landmark 72 (Hà Nội) đang được chủ nhân là Công ty AON Plc rao bán với giá hơn 1.000 tỷ won. Đây là một trong những tòa nhà có giá thuê văn phòng đắt đỏ nhất tại Hà Nội với tỷ lệ lấp đầy lên tới 98%.

Mới đây, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) đang quan tâm tới khoản lợi nhuận hấp dẫn khi Công ty bảo hiểm toàn cầu AON Plc - chủ sở hữu của tổ hợp bất động sản là 3 tòa nhà Landmark 72, muốn bán 100% cổ phần với giá hơn 1.000 tỷ won tương đương khoảng 18.500 tỷ đồng.

Nguồn thi từ Ked Global cho hay, hiện nay một số công ty quản lý quỹ bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn cũng đang cân nhắc về việc mua lại tòa nhà Landmark 72.

Năm 2015, Công ty bảo hiểm toàn cầu AON Plc đã thành công trong việc mua lại tòa nhà chọc trời này với giá 454 tỷ won tương đương gần 8.400 tỷ đồng từ Công ty Xây dựng SM Keangnam Enterprises Ltd.

keangnam-landmark-tower-1727064436343-1727135249.webp
Khu phức hợp ba tòa nhà Landmark 72 Hà Nội

Thời điểm đó, Mirae Asset cũng tham gia thương vụ này khi rót 300 tỷ won cho khoản vay được bảo đảm và 100 tỷ won vào trái phiếu chuyển đổi trong tòa nhà này.

Sau đó, Mirae Asset đã bán khoản nợ 300 tỷ won nhưng vẫn nắm giữ trái phiếu trị giá 100 tỷ won. Hiện Mirae Asset đang cân nhắc chuyển đổi số trái phiếu này thành cổ phiếu phổ thông.

Năm 2012, Landmark 72 được hoàn thành bởi SM Keangnam Enterprises - một công ty xây dựng Hàn Quốc. Landmark 72 nằm trên đường Phạm Hùng (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) có tổng diện tích sàn lên tới 608.946 m2. Đây là tòa nhà phức hợp gồm khách sạn - văn phòng - căn hộ - trung tâm thương mại với 1 tòa tháp tổng hợp 72 tầng cao 350m và 2 tòa tháp đôi 48 tầng cao 212m.

Landmark 72 là công trình xây dựng được phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Vào thời điểm hoàn thiện, Landmark 72 đã "soán ngôi" của Bitexco Financial Tower và đạt danh hiệu kép tòa nhà cao nhất Việt Nam và tòa nhà cao nhất Hà Nội. Đồng thời đây cũng là tổ hợp công trình khép kín có diện tích lớn thứ 5 trên thế giới.

thong-tin-tu-to-bao-the-korea-economic-daily-1727135489.webp
Thông tin từ tờ báo The Korea Economic Daily cho thấy Mirae Asset đang "để mắt" tới khoản lợi nhuận từ việc bán tòa nhà chọc trời ở Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

Từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam, nhưng đến năm 2018, Landmark 72 đã bị “soán ngôi” khi Vingroup xây dựng tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng với chiều cao 461m.

Không chỉ mang tính biểu tượng, Landmark 72 với vị trí đắc địa đã được nhiều công ty trong và ngoài nước thuê làm trụ sở. Theo đó, tỷ lệ văn phòng được lấp đầy ơở tòa nhà này lên tới 98%.

Báo cáo từ Hãng Avision Young Việt Nam cho hay, hiện nay giá thuê văn phòng tại Landmark 72 lên tới 36 USD/m2/tháng (chưa bao gồm phí dịch vụ 6,8 USD/m2).

Theo tìm hiểu, năm 2007, Tập đoàn Keangnam Enterprises bắt đầu đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh đã bước qua thời kỳ hoàng kim bằng việc xây tòa nhà Landmark 72.

Để hiện thực hóa tham vọng xây tòa nhà cao nhất tại Việt Nam, Keangnam đã huy động khoản vay lên tới 530 tỷ won trên tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ won từ các ngân hàng lớn gồm: Shinhan Bank, Woori Bank, Korea Eximbank và Ngân hàng Nông nghiệp. Theo nhận định của giới chuyên gia, khoản nợ quá lớn trên đã khiến Keangnam gặp vấn đề nghiêm trọng về cân đối tài chính.

lanmark-72-1727135578.webp
Landmark 72 đang được rao bán giá 1.000 tỷ won tương đương khoảng 18.500 tỷ đồng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam liên tiếp vướng phải những sai phạm về an toàn xây dựng, vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Ngoài ra, Keangnam gặp không ít vướng mắc và không thể tháo gỡ với cư dân của 2 tòa chung cư cao cấp 48 tầng về ăn gian diện tích xây dựng, giá, chất lượng dịch vụ...

Do nợ nần, Keangnam buộc phải rao bán loạt dự án xây dựng tại nước ngoài và cả Landmark 72 tại Việt Nam để “thoát thân”. Đến nay, Landmark 72 tiếp tục đối diện nguy cơ đổi chủ.

Được biết, AON Plc là công ty tài chính đa quốc gia được thành lập năm 1982. Công ty này có trụ sở tại London (Anh), hoạt động trong 3 lĩnh vực chính dưới tên 3 doanh nghiệp nhỏ là: Aon Risk Solutions - cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý rủi ro; Aon Benfield - môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm; Aon Hewitt - giải đáp thắc mắc, tư vấn khách hàng về nguồn nhân lực.

Quý 2/2024, AON Plc ghi nhận doanh thu đạt 3,76 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng thương vụ mua lại NFP – một công ty quản lý tài sản trị giá 13 tỷ USD, đã khiến chi phí hoạt động của AON tăng lên 3,1 tỷ USD (tăng 33%). AON báo lợi nhuận ròng giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn 524 triệu USD.