TNGT do xe máy chiếm tới 60%: Chỉ mở cao điểm xử lý vi phạm là chưa đủ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhấn mạnh, để ngăn chặn xe máy gây tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã liên tục mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là nâng cao ý thức của người điều khiển xe máy.

Tai nạn do xe máy vấn chiếm tỷ lệ cao

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến an toàn khi tham gia lưu thông bằng xe máy đã được đề cập đến.

Theo đó, xe máy đang chiếm tới 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam. Với tỷ lệ tăng trung bình từ 10 - 15% mỗi năm, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe máy cao nhất thế giới. Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia dự báo xe máy sẽ tiếp tục tăng, ngay cả những gia đình có ô tô cũng vẫn giữ xe máy.

tai-nan-xe-may-1730939664.jpg
Xe máy đang chiếm tới 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam

Là phương tiện phổ biến nhất trong giao thông nên tai nạn liên quan đến xe máy cũng chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn xe máy như không tuân thủ quy tắc giao thông, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, không đội mũ bảo hiểm, thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe, cũng như phương tiện không đảm bảo an toàn.

Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, xe máy đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển của người dân Việt Nam. Đây là phương tiện phổ biến, tiện lợi, chi phí thấp, dễ dàng di chuyển khắp nơi, từ việc đi học, đi làm cho đến di chuyển trong nội thành.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện chính sách, nâng cao nhận thức và cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu thương tật và tử vong do tai nạn giao thông, với tỷ lệ giảm hơn 40% từ năm 2010 - 2021. Tuy nhiên, Việt Nam và các quốc gia khác vẫn cần nỗ lực hơn để tăng cường an toàn giao thông cho xe máy, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong liên quan đến loại phương tiện này.

Nâng cao ý thức của người điều khiển xe máy

Những năm qua, chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trong những năm qua đã góp phần giảm đáng kể thiệt hại từ các vụ tai nạn xe máy. Tuy nhiên ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á tại Việt Nam cho hay, việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả cần được nhìn nhận nghiêm túc. Chúng ta không chấp nhận sữa giả hay thuốc giả cho con em mình, thì cũng không nên sử dụng mũ bảo hiểm giả. Tiếp cận vấn đề này bằng so sánh như vậy sẽ góp phần cải thiện tình hình.

tai-nan-xe-may-1-1730939664.jpg
Khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy

Tiến sĩ Trần Hữu Minh cho biết, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam được xây dựng trên 5 yếu tố trụ cột. Đầu tiên, cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các quy định về luật, nghị định, thông tư, tiêu chuẩn và hướng dẫn làm cơ sở pháp lý để thực thi.

Thứ hai, yếu tố kết cấu hạ tầng giao thông liên quan đến việc thiết kế, đầu tư, bảo dưỡng đường bộ, tổ chức và điều tiết giao thông, cũng như xử lý tình trạng ùn tắc giao thông.

Thứ ba, về phương tiện giao thông, cần quản lý chặt chẽ đăng ký, tiêu chuẩn và đăng kiểm phương tiện.

Thứ tư, với người tham gia giao thông, cần thực hiện các biện pháp giáo dục an toàn giao thông, quy định rõ ràng về bằng lái và kỹ năng lái xe, cũng như nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động truyền thông.

Cuối cùng là ứng phó sau tai nạn, thông qua công tác điều tra, thống kê hiện trường tai nạn và điều trị thương tật cho nạn nhân.

Dựa vào các yếu tố trên, cần đối chiếu với thực tế để đề xuất các giải pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, lưu ý trách nhiệm của các đơn vị chủ quản và đơn vị liên quan, các nhiệm vụ trọng tâm như quy định về đội mũ bảo hiểm; kiểm soát rượu bia, ma túy; tốc độ; bổ sung dây bảo hiểm/ghế bảo hiểm trẻ em khi tham gia giao thông; hướng dẫn lái xe an toàn và cấm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhấn mạnh, để ngăn chặn xe máy gây tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã liên tục mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là nâng cao ý thức của người điều khiển xe máy. Nhất là gần đây, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển xe máy ở tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng tăng cường xử phạt và giám sát vi phạm, ứng dụng công nghệ để giám sát tự động tại các khu vực ngoại ô và tuyến đường ít đông đúc, nơi vi phạm giao thông thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo dưỡng và kiểm tra xe định kỳ, đảm bảo lắp đặt các thiết bị an toàn và quy định về cấp chứng nhận đủ điều kiện lưu thông. Người điều khiển phương tiện phải qua đào tạo bắt buộc và có chế tài nghiêm khắc đối với các vi phạm như đội mũ bảo hiểm, tốc độ, tuân thủ biển báo, và hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện.

Theo các chuyên gia, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam, vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng để quản lý, kiểm soát các hành vi điều khiển xe máy không an toàn.