Úc đe dọa phạt tiền các mạng xã hội nếu để lọt thông tin sai lệch

Úc cho biết, họ sẽ phạt các mạng xã hội tới 5% doanh thu toàn cầu nếu không ngăn chặn được sự lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến. Quyết định này đã đưa Úc trở thành một trong những quốc gia sớm tham gia vào nỗ lực trên toàn thế giới nhằm kiềm chế các gã khổng lồ công nghệ không biên giới.

Chính phủ Úc cho biết, sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ thiết lập các quy tắc ứng xử, cách quản lý và ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch nguy hiểm. Cơ quan chức năng nước này cũng sẽ thiết lập tiêu chuẩn riêng dành cho các nền tảng. Nếu nền tảng nào không tuân thủ, sẽ phải chịu một khoản phạt tương xứng theo quy định.

mang-xa-hoi-1726135401.jpg

Úc đang xây dựng dự luật, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội thiết lập các quy tắc kiểm duyệt nội dung, không để các thông tin sai lệch lan truyền, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Dự luật mới của Úc sẽ sớm được trình lên Quốc hội, nhắm vào các nội dung sai sự thật gây tổn hại đến tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử hoặc sức khỏe cộng đồng, kêu gọi tố cáo một nhóm hoặc làm tổn thương một người, hoặc có nguy cơ làm gián đoạn cơ sở hạ tầng quan trọng và các dịch vụ khẩn cấp.

Theo Reuters, dự luật này là một phần trong chiến dịch trấn áp các thông tin sai lệch rộng khắp của Úc, nơi các nhà lãnh đạo phàn nàn, các nền tảng công nghệ có trụ sở ở nước ngoài đang xâm phạm chủ quyền của đất nước...

Bộ trưởng Truyền thông Úc là Michelle Rowland cho biết: "Thông tin sai lệch đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn và phúc lợi của người dân Úc, cũng như nền dân chủ, xã hội và nền kinh tế của chúng ta”. "Không làm gì và để vấn đề này trầm trọng hơn không phải là một lựa chọn", Bộ trưởng cho biết.

Phiên bản đầu tiên của dự luật đã bị chỉ trích vào năm 2023 vì trao cho Cơ quan Truyền thông Úc quá nhiều quyền hạn để xác định thông tin sai lệch, tin giả.

Bà Rowland cho biết dự luật mới quy định cơ quan quản lý truyền thông sẽ không có quyền buộc gỡ bỏ từng nội dung hoặc tài khoản người dùng. Phiên bản mới của dự luật bảo vệ tin tức chuyên nghiệp, nội dung nghệ thuật và tôn giáo, trong khi không bảo vệ nội dung được chính phủ cho phép.

Bộ trưởng cho biết khoảng 4/5 người Úc muốn giải quyết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch.

bo-truong-1726135625.jpg

Bộ trưởng Bộ Hạ tầng và Truyền thông Australia Michelle Rowland.

Meta đã từ chối bình luận về dự luật mới. Công ty đang sở hữu các nền tảng mạng xã hội hàng đầu, bao gồm Facebook và Instagram, trong đó, gần 9 trong số 10 người Úc đang sử dụng Facebook. 

Về phần mạng xã hội X hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì. Mạng xã hội này bị đánh giá gần như “thả nổi” thông tin và các hoạt động kiểm duyệt trên nền tảng kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp nhận và điều hành. Gần đây, trước sức ép của nhiều cơ quan chức năng các quốc gia, bộ phận kiểm soát nội dung của X mới bắt đầu có các hoạt động trở lại. X gần đây đã có các đợt tuyển dụng lớn cho bộ phận này.

Bộ Hạ tầng và Truyền thông Úc cho biết họ hoan nghênh "luật trao cho cơ quan này vai trò quản lý chính thức để chống lại thông tin sai lệch và thông tin sai lệch trên các nền tảng kỹ thuật số".