Bất chấp khó khăn chồng chất, Intel vẫn từ chối lời đề nghị mua lại từ Arm

Theo các nguồn tin, Arm Holdings (ARM) đã tiếp cận Intel Corp (Intel) để thảo luận về khả năng mua lại bộ phận sản phẩm của nhà sản xuất chip đang gặp khó khăn này. Tuy nhiên, câu trả lời được đưa ra đã khiến họ phải thất vọng.

Tuần trước, nhiều nguồn tin cho thấy Qualcomm đang có ý mua lại Intel và hai bên đã có những buổi tiếp xúc đầu tiên về vấn đề này. Mặc dù thông tin chưa được hai bên lên tiếng xác thực, tuy nhiên đặt trong bối cảnh nhà sản xuất chip của Mỹ (Intel) đang trong tình thế khó khăn, thương vụ này được xem là hoàn toàn có lý do để tin tưởng.

Mới đây, lại tiếp tục có thông tin nhà sản xuất chip ARM của Anh muốn mua lại bộ phận sản phẩm của Intel. Tuy nhiên, công ty chip của Mỹ đã từ chối lời đề nghị bởi “bộ phận này không phải để bán”.

Công ty sản xuất chip Intel của Mỹ đang trở thành mục tiêu thâu tóm từ các đối thủ trong ngành lẫn các nhà đầu tư ngoài ngành thời gian gần đây.

Intel, từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã trở thành mục tiêu của các cuộc đầu cơ thâu tóm kể từ khi hoạt động kinh doanh của công ty này suy giảm nhanh chóng những năm qua. Công ty đã công bố báo cáo thu nhập yếu kém vào tháng trước — khiến cổ phiếu lao dốc ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Công ty cũng đang phải cắt giảm 15.000 việc làm để tiết kiệm chi tiêu, đồng thời thu hẹp quy mô các kế hoạch mở rộng nhà máy cũng như dừng trả cổ tức cho các cổ đông...

Là một phần trong nỗ lực xoay chuyển tình thế, Intel đang tách bộ phận sản phẩm chip khỏi hoạt động sản xuất của mình. Động thái này nhằm thu hút khách hàng và nhà đầu tư bên ngoài, nhưng cũng đặt nền tảng cho việc công ty bị chia tách — điều mà Intel đã cân nhắc.

Trong khi đó, Arm - công ty chip đối thủ - là công ty con của SoftBank Group Corp, đang kiếm được phần lớn doanh thu từ việc bán thiết kế chip cho điện thoại thông minh. Gần đây, Tổng giám đốc điều hành của công ty là Rene Haas đã tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài ngành, bao gồm cả việc đẩy mạnh vào máy tính cá nhân và máy chủ, nơi thiết kế chip của công ty đang cạnh tranh với Intel. Mặc dù Intel không còn lợi thế về công nghệ như trước đây nhưng họ vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường này.

Việc kết hợp với Intel sẽ giúp Arm hướng tới mục tiêu bán được nhiều sản phẩm của riêng mình hơn, tận dụng được danh mục khách hàng lớn trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm Amazon, Qualcomm và Samsung.

Định giá thị trường của ARM đã tăng vọt và hiện ở mức hơn 156 tỷ USD. Các nhà đầu tư coi công ty là bên hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu cho AI, đặc biệt là khi công ty tiến xa hơn vào lĩnh vực chip trung tâm dữ liệu. Arm cũng có sự hậu thuẫn của SoftBank (chiếm tới 88% cổ phần), điều này giúp công ty có thêm sức mạnh về tài chính.

Trong khi Intel đang chật vật thì ARM lại đang phát triển nhanh trên thị trường chip bán dẫn toàn cầu.

Ngược lại, Intel đã mất hơn một nửa giá trị trong năm nay và có vốn hóa thị trường hiện tại là 102,3 tỷ USD. Nhưng công ty cũng đang có những lựa chọn khác để cân nhắc. Tuần này, Bloomberg đưa tin Apollo Global Management Inc. đã đề nghị đầu tư vào Intel với số tiền lên tới 5 tỷ USD.

Intel cũng có kế hoạch bán một phần cổ phần của mình tại nhà sản xuất chất bán dẫn Altera Corp. Nhà máy này được Intel mua vào năm 2015 và đã được tách khỏi hoạt động của công ty vào năm ngoái.

Như vậy, trong khi Intel đang phải vật lộn để duy trì vị thế, Arm đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong kỷ nguyên AI. Việc mua bán, sát nhập của các công ty chip được cho là sẽ thay đổi căn bản cục diện thị trường bán dẫn toàn cầu thời gian tới.