Sự kiện đang thu hút sự chú ý của ngành chip: Qualcomm có thể thâu tóm Intel

Nhà sản xuất chip Qualcomm dường như đang có ý định mua lại đối thủ Intel để tăng cường sức mạnh cho mình. Hai bên đã có những tiếp xúc ban đầu về vấn đề này. Nếu thương vụ này thành công, sẽ trở thành vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử ngành chip thế giới.

Các nguồn tin cho thấy, Qualcomm vẫn chưa đưa ra lời đề nghị chính thức cho Intel và những trở ngại đối với thỏa thuận vẫn còn rất lớn. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có khả năng sẽ thu hút sự giám sát đáng kể của cơ quan quản lý, xét đến quy mô khổng lồ và tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia của cả hai công ty chip.

Không rõ liệu các cơ quan quản lý có cho phép Qualcomm mua Intel hay không và cũng không rõ liệu công ty có muốn tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh đúc chip của Intel trong bối cảnh phức tạp hiện tại hay không.

Intel từng là một đế chế đứng đầu trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu trong suốt nhiều năm, tuy nhiên đã chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu công ty đã sụt giảm tới 40%, đưa mức vốn hóa thị trường xuống còn 93 tỷ USD. Về phía Qualcomm thì ngược lại, công ty này đã chứng kiến cổ phiếu của mình tăng tới 55%, đưa giá trị vốn hóa của công ty lên 169 tỷ USD.

Cả 2 công ty chip đều đang yên lặng trước các yêu cầu bình luận có liên quan. Tuy nhiên, nhiều hãng thông tấn lớn đều đã đưa tin về việc này.

qualcomm-buy-intel-1726908212.jpg
Qualcomm đang có ý định thâu tóm Intel để tăng cường sức mạnh cho mình trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Intel đã bỏ lỡ việc bán chip cho điện thoại di động và không tận dụng được sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Họ phải “cay đắng” khi nhìn đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực là Nvidia nhanh chóng phát triển, vượt mặt và từng bước thống trị thị trường với các chip chuyên dụng được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, hoạt động đúc chip của Intel, từng là hoạt động tiên tiến nhất, cũng đã mất đi vị thế dẫn đầu về công nghệ vào tay Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, Trung Quốc là TSMC

Các vấn đề của Intel đã được nhấn mạnh vào đầu tháng 8, khi công ty công bố khoản lỗ 1,6 tỷ USD trong quý và có kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm. Công ty đã nhận được khoản tài trợ liên bang (Mỹ) lớn nhất theo luật gọi là Đạo luật CHIPS, sau đó đã có nhiều thay đổi chiến lược phát triển. Họ cũng đã công bố việc tạm dừng kế hoạch xây dựng các nhà máy mới tại Đức và Ba Lan.

Gần đây, Intel cũng phải phụ thuộc một phần vào TSMC để sản xuất những con chip tiên tiến nhất của mình. Quy trình sản xuất chip 18A của họ được cho là đã gặp phải một số sự cố gần đây khiến khó khăn càng thêm khó.

Một trong những đối thủ chính của Intel là AMD cũng gặp khó khăn trong nhiều năm và phải tìm đường để thay đổi. Sự lựa chọn của họ đặt cược vào lĩnh vực game. Mọi máy chơi game lớn trong thập kỷ qua đều có chip AMD.

Ở chiều ngược lại, Intel gần đây đã đánh mất niềm tin từ các game thủ PC sau khi hai thế hệ chip hàng đầu của hãng này được phát hiện dễ gặp phải các sự cố bất thường. Mặc dù Intel đã đồng ý gia hạn bảo hành thêm nhiều năm và phát hành các bản cập nhật có thể ngăn ngừa hư hỏng nhưng điều đó cũng khó có thể cứu vãn niềm tin của khách hàng đối với những con chip của hãng.

loi-chip-intel-1726908567.jpeg
Hoạt động kinh doanh sụt giảm, các con chip tiên tiến mới, thế hệ 13 -14 của Intel lại tiếp tục ghi nhận những lỗi nghiêm trọng khiến hãng bị tổn thất nặng nề, mất niềm tin của khách hàng.

Về phần Qualcomm, có trụ sở tại San Diego (Mỹ), là công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ di động và cung cấp chip được sử dụng trong các điện thoại thông minh hàng đầu cho các công ty điện thoại như Apple và Samsung Electronics.

Không giống như Intel, Qualcomm chưa bao giờ vận hành các nhà máy, một hoạt động kinh doanh tốn kém mà hầu hết các nhà thiết kế chip đều tránh. Theo Patrick Little, Cựu Giám đốc điều hành của Qualcomm và hiện là Giám đốc điều hành của SiFive - một công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon chuyên bán các thiết kế vi xử lý thì có vẻ như Qualcomm sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động thiết kế chip của Intel, cũng như chuyên môn sâu rộng của công ty này về phần mềm PC và các kênh bán hàng.

Cũng theo ông này, việc hợp tác với Intel sẽ giúp Qualcomm hoàn thiện được các phần còn khuyết yếu của mình trong lĩnh vực.

Mặc dù bất kỳ thỏa thuận nào cũng được mô tả là "còn lâu mới chắc chắn" nhưng đây sẽ là một sự sụp đổ to lớn đối với một công ty từng là công ty sản xuất chip có giá trị nhất thế giới (Intel) nhưng lại là một thành công lớn đối với Qualcomm.