Vì sao Mỹ cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc nhưng Intel và Qualcomm vẫn được loại trừ?

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với việc gửi chip điện toán tiên tiến sang Trung Quốc không nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế hoặc sự phát triển công nghệ của quốc gia này. Điều này được thể hiện ở sự miễn trừ với Qualcomm và Intel.

Theo Reuters, kể từ năm 2022, các quan chức Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát sâu rộng đối với những loại chip máy tính có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc, cắt giảm doanh số bán hàng từ một số công ty lớn như Nvidia, Advanced Micro Device (AMD) và Intel cùng những doanh nghiệp sản xuất chip lớn khác.

Những biện pháp kiểm soát này đáp ứng với các yêu cầu cấm vận chuyển chip cho Huawei Technologies đã được đưa ra những năm trước đó. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi không ít giữa hai bên trong những năm qua, khiến cho những căng thẳng trên cuộc chạy đua công nghệ trên môi trường Internet giữa Mỹ - Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không chỉ tích cực cấm chip tiên tiến xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ cũng nỗ lực lôi kéo các đồng minh của mình và các nước khác không xuất khẩu các trang thiết bị, máy móc tiên tiến để sản xuất chip sang Trung Quốc. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các nhà sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp cận công nghệ mới nhất, phục vụ phát triển các lĩnh vực như điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo,...

cuoc-chien-ban-dan-my-trung-1714379541.jpg
Những căng thẳng xung quanh "cuộc chiến bán dẫn" giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều năm.

Tuy nhiên, thực tế các quan chức Mỹ vẫn đang cấp phép cho ít nhất hai công ty bán dẫn hàng đầu của nước này là Intel và Qualcomm tiếp tục vận chuyển chip cho Huawei - công ty đang sử dụng chip Intel để cung cấp sức mạnh tính toán cho những mẫu máy tính xách tay mới của họ.

Hai nhà lập pháp Đảng Cộng hòa của Mỹ đã chỉ trích việc miễn trừ đối với Intel hồi đầu tuần này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài National Public Radio (NPR) ngày 26/4 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken lại nhấn mạnh, việc miễn trừ này là một dấu hiệu cho thấy Mỹ không cố gắng cản trở Trung Quốc phát triển công nghệ.
Ông nói: “Tôi thấy rằng Huawei vừa tung ra một chiếc máy tính xách tay mới mà họ tự hào là có khả năng AI, sử dụng chip Intel. Tôi nghĩ điều đó chứng tỏ rằng việc chúng tôi đang tập trung vào chỉ là công nghệ nhạy cảm nhất có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Chúng tôi không tập trung vào việc cắt đứt thương mại hoặc vấn đề ngăn chặn hay kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc”.

ngoaij-truownrg-myx-1714379283.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns xem một đĩa hát trong chuyến thăm cửa hàng băng đĩa Li-Pi ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/4/2024

Giấy phép bán chip bán dẫn tiên tiến cho Huawei của Intel và Qualcomm đã được cấp dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và vẫn được giữ nguyên dưới thời Tổng thống Joe Biden. 

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Intel và Qualcomm là AMD và MediaTek lại chưa nhận được các lệnh miễn trừ tương tự. Đây là điều mà cả chính quyền của ông Trump và ông Biden đều không giải thích được lý do, cũng là ẩn số lớn nhất mà nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại.