Bất hợp lý thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa
Sáng ngày 22/11, trong cuộc thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm về việc áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điều hòa. Theo dự thảo, điều hòa có công suất dưới 90.000 BTU vẫn sẽ chịu thuế 10%, điều này gặp phải sự phản đối từ không ít đại biểu khác.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP. HCM) cho biết, hiện nay hầu hết các gia đình có mức sống cơ bản đều đã lắp đặt điều hòa. Việc sử dụng điều hòa không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa là không hợp lý.
Đại biểu nhắc lại, vào năm 1998, điều hòa được áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 20%, nhưng đến năm 2008 mức thuế đã được giảm do nhận thấy sự bất hợp lý. Hơn nữa, việc lắp điều hòa giúp bảo vệ sức khỏe và tái tạo năng lượng lao động sau một ngày làm việc mệt nhọc, vì người lao động cần một giấc ngủ ổn định và thoải mái.
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, khi sử dụng điều hòa, người dân đã phải trả chi phí điện tính theo mức độ sử dụng, và nếu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây khó chịu cho người tiêu dùng. Việc lắp đặt điều hòa hiện nay không phải nhu cầu xa xỉ mà là điều kiện thiết yếu của cuộc sống, đặc biệt khi đất nước đang phát triển và đời sống của người dân được nâng cao.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cũng chia sẻ, dù ông thừa nhận việc sử dụng điều hòa có thể gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi đời sống người dân ngày càng được cải thiện, việc sử dụng điều hòa đã trở thành nhu cầu thiết yếu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) nêu vấn đề liệu điều hòa nhiệt độ có còn được xem là mặt hàng xa xỉ hay không? Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay nhiều gia đình đã sử dụng điều hòa, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này thì sẽ giống như "đẩy lùi sinh hoạt của người dân Việt Nam về 40 - 50 năm trước". Bên cạnh đó, người dân không sử dụng điều hòa liên tục mà chỉ khi cần thiết. Vì vậy, việc đưa điều hòa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý.
Ông Nghĩa giải thích thêm, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu, nhằm đánh vào những hàng hóa và dịch vụ mang tính chất xa xỉ, qua đó điều tiết sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội, cũng như thu nhập của người tiêu dùng.
Cần phân nhóm sử dụng chất làm lạnh để áp thuế
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính giải thích, điều hòa có công suất dưới 90.000 BTU tiêu thụ năng lượng điện lớn, góp phần vào tình trạng nóng lên toàn cầu. Thêm vào đó, các chất làm mát phổ biến như HFC trong máy điều hòa còn gây hại cho tầng ozone và góp phần vào ô nhiễm môi trường.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, một số quốc gia vẫn áp dụng thuế đối với mặt hàng này. Hàn Quốc, Ấn Độ và Na Uy thu thuế đối với chất HFC trong điều hòa. Tại châu Âu, Tây Ban Nha cấm đặt điều hòa dưới 27 độ C. Trong khi ở Anh, việc lắp đặt điều hòa phải có giấy phép và thường xuyên kiểm tra mức độ tiết kiệm năng lượng.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục áp thuế đối với điều hòa có công suất dưới 90.000 BTU để nâng cao nhận thức cộng đồng về việc hạn chế tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về lĩnh vực điện tử cho biết, nếu áp dụng theo như dự thảo thì đồng nghĩa hầu hết các phân khúc điều hoà dân dụng đều sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi “BTU” là chỉ số phản ánh công suất làm lạnh của điều hòa chứ không phải là công suất tiêu thụ điện. 1HP (1 ngựa) tương đương với 9000 BTU.
Như vậy điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU gần như là các phân khúc điều hoà dân dụng phổ biến, có loại dùng cho công trình, nhà cửa, có loại dùng cho xe cộ, vận tải. Công suất của điều hoà công nghiệp trong khoảng 50.000 - 900.000 BTU.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đánh giá, việc sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến với mức giá ngày càng hợp lý so với thu nhập của các gia đình Việt Nam. Nhưng đi kèm với đó là sự gia tăng lượng khí HCFCs gây hại cho tầng ozone. Một số quốc gia đã hạn chế hoặc cấm sử dụng HCFCs trong điều hòa.
Ông Lực phân tích, việc xử lý và tái chế các điều hòa sử dụng HCFC-22 chưa được thực hiện đúng cách ở Việt Nam, khiến khí thải dễ dàng bị xả ra môi trường. Mặc dù các loại khí lạnh mới như HFC-32, CO2/ammoniac, và hydrocarbon đang dần thay thế HCFC-22 trong sản xuất thiết bị lạnh, quá trình này vẫn cần thời gian và vốn đầu tư.
Hiện nay, nhiều sản phẩm điều hòa ở Việt Nam sử dụng các khí lạnh như R22, R410A và R32, mặc dù được coi là thân thiện với môi trường hơn nhưng vẫn chứa một lượng nhỏ HCFC. Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất, nếu muốn bảo vệ môi trường, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt cần quy định rõ hơn về các loại sản phẩm sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC.
Theo ông, cần phân nhóm và chỉ áp thuế đối với các sản phẩm sử dụng chất HCFC, đồng thời không áp dụng thuế đối với các sản phẩm sử dụng các chất lạnh thay thế như CO2, ammoniac và hydrocarbon. Việt Nam đang trong quá trình loại trừ dần HCFC theo Nghị định thư Montreal, và việc điều chỉnh thuế cần phải tuân thủ tiến trình này.