Triển khai hoãn xuất nhập cảnh tự động và xây dựng ngưỡng nợ thuế phù hợp

Để giải quyết các vướng mắc trong quy định tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế sẽ triển khai cơ chế hoãn xuất nhập cảnh tự động và xây dựng ngưỡng nợ phù hợp cho các trường hợp chây ỳ.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã thu hồi trên 58.000 tỉ đồng nợ thuế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 10, số nợ thuế thu hồi đạt 2.051 tỉ đồng. Thời gian qua, cơ quan thuế đã liên tục áp dụng những biện pháp được pháp luật cho phép để thu hồi nợ thuế, trong đó có cả tạm hoãn xuất cảnh.

Sắp triển khai hoãn xuất cảnh tự động

Tuy nhiên, việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh hàng loạt đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Mặc dù cơ quan thuế đã thông báo cho người nộp thuế qua các kênh liên lạc như điện thoại, email, và thông báo nợ, vẫn có nhiều trường hợp doanh nhân không nhận được thông tin cho đến khi họ bị từ chối xuất cảnh tại sân bay. Một số doanh nghiệp nợ thuế với số tiền nhỏ cũng bị áp dụng lệnh hoãn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và uy tín cá nhân.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đối với việc tạm hoãn xuất cảnh, quy định cụ thể nằm tại khoản 1 Điều 66 và khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Cơ quan thuế sẽ xác định rõ nghĩa vụ nộp thuế của từng đối tượng trước khi ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh, đồng thời áp dụng các biện pháp đôn đốc như gọi điện, gửi email, và mời người nộp thuế làm việc.

Theo quy định, cơ quan thuế gửi thông báo nợ và công khai các quyết định cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh qua nhiều kênh thông tin để người nộp thuế có thể tra cứu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp người nộp thuế không biết hoặc không nhận được thông báo, do một số nguyên nhân như chưa biết cách tra cứu, không cập nhật thông tin liên lạc, hoặc đã bỏ địa chỉ kinh doanh.

xuat-canh-tu-dong-1-1731557872.jpg

Tổng cục Thuế sẽ kết nối với Bộ Công an để triển khai tạm hoãn xuất nhập cảnh tự động

Do vậy, cơ quan thuế khuyến cáo người nộp thuế thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế của mình. Đồng thời, chủ động cập nhật các thay đổi về địa chỉ nhận thông báo, tránh tình trạng để nợ thuế kéo dài, kịp thời hoàn thành nghĩa vụ trước khi xuất cảnh  

Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ kết nối với Bộ Công an để triển khai tạm hoãn xuất nhập cảnh tự động, nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ, đồng thời có thể giải quyết gỡ lệnh tạm hoãn xuất cảnh sớm nhất có thể.

Trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các cục thuế địa phương thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi nợ, đảm bảo không phát sinh thêm tiền chậm nộp hay nợ mới, đặc biệt với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách hỗ trợ.

Đáng chú ý, để đảm bảo công bằng, Tổng cục Thuế cho biết sẽ rà soát các quy định liên quan đến tạm hoãn xuất cảnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, đặc biệt là với những doanh nghiệp gặp khó khăn. Một trong các giải pháp là báo cáo cấp có thẩm quyền về việc phân loại đối tượng nợ thuế và ngưỡng nợ phù hợp trước khi áp dụng lệnh hoãn xuất cảnh.

Không nên áp dụng ngưỡng cố định

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là biện pháp nhỏ trong xử lý nợ thuế, không phải biện pháp mạnh nhất. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế cụ thể, giới hạn phạm vi áp dụng và đánh giá tác động của biện pháp này để tránh phản ứng tiêu cực.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công ty Luật IAM cho rằng, luật hiện hành cho phép cơ quan thuế "có thể" áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, nhưng lại thiếu rõ ràng về khi nào áp dụng và khi nào không. Vì vậy, nếu xây dựng ngưỡng nợ thuế cần dựa trên quy mô và tình hình tài chính của từng doanh nghiệp.

"Trước đây có nhiều ý kiến cho rằng nợ thếu từ 1 triệu đến dưới 100 triệu đồng thì không áp dụng hoãn xuất cảnh nhưng nếu doanh nghiệp chỉ có vốn đăng ký 50 triệu đồng lại nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng, hay doanh nghiệp có vốn 1 triệu USD, nợ thuế 50 triệu đồng thì có nên hoãn xuất cảnh như nhau không? Do vậy, không thể cào bằng mà cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại doanh nghiệp, từ đó quy định ngưỡng nợ thuế sẽ công bằng hơn", luật sư Toản phân tích. 

no-thue-1731557909.jpg

Người nộp thuế nên thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế của mình

Bổ sung thêm đề xuất, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) phân tích, để xác định ngưỡng nợ thuế trong biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần áp dụng công cụ thống kê và phân loại theo đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Ngưỡng này không nên quá thấp để tránh tốn kém chi phí quản lý và đảm bảo tính răn đe, đồng thời cũng hạn chế số lượng lớn người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh.

Ông Cường cho biết, ngay cả khi áp dụng ngưỡng nợ thuế, vẫn có tình huống phát sinh. Có doanh nghiệp nợ lớn nhưng không có nhu cầu xuất cảnh, trong khi doanh nghiệp khác nợ ít do khó khăn tạm thời lại cần xuất cảnh để gặp đối tác hoặc tìm kiếm đơn hàng. Việc áp dụng cứng nhắc biện pháp này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp cần di chuyển để phục hồi kinh doanh. Vì vậy, ông đề xuất xây dựng các ngưỡng nợ thuế linh hoạt, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp và giá trị nợ.

Ở góc khác, TS.Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu đưa ra ngưỡng nợ thuế cố định 5 triệu, 10 triệu hay 100 triệu đồng để áp dụng hoãn xuất cảnh là chưa đủ cơ sở. Do đó, thay vì chỉ dựa vào một mức nợ nhất định, ngành thuế cần xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ hơn, bao gồm tần suất nợ, thời gian nợ, mức độ chây ì của doanh nghiệp, cũng như các biện pháp đã thực hiện trước đó.

Bộ tiêu chí này cần đánh giá cụ thể về quy mô và khả năng thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Ngưỡng nợ thuế nếu có cũng chỉ nên là một phần trong bộ tiêu chí chứ không thể làm căn cứ duy nhất để tạm hoãn xuất cảnh.

Cũng theo bà Thảo, việc xác định ngưỡng nợ cần có cơ sở khoa học và nhân văn, không thể áp dụng cào bằng cho mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, các số liệu từ cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cũng nên được tích hợp vào hệ thống tính toán để đưa ra các ngưỡng hợp lý, khả thi cho từng ngành nghề và doanh nghiệp.