Theo Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo sẽ lập các sàn chứng khoán, tiền ảo, sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những hứa hẹn hấp dẫn như lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ… Nhiều nạn nhân đã dính bẫy trước những lời quảng cáo có cánh này.
Đáng lưu ý, hầu hết nạn nhân khi tham gia đầu tư vào các sàn này đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản, đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại khoản lãi suất tương ứng nhằm mục đích đánh vào lòng tham.
Sau khi cảm thấy có thể kiếm lời dễ dàng từ các sàn này, nạn nhân sẽ từng bước đầu tư số tiền lớn hơn. Các đối tượng lừa đảo sẻ viện nhiều lý do để không thể rút được tiền ra mà phải đóng thêm nhiều khoản phí mới nhận lại được tiền đầu tư và tiền lãi. Sau cùng, chúng khóa tài khoản, cho sập sàn giao dịch và cắt liên lạc với nạn nhân…
Cẩm nang của Bộ Công an chỉ rõ những dấu hiệu nhận biết các chiêu trò lừa đảo này như sau: Các đối tượng thường chủ động tiếp cận với người dân để tìm cách giới thiệu, quảng cáo về website hoặc sàn giao dịch ảo mà mình đang đầu tư, dụ dỗ thu được lợi nhuận rất cao. Về phương thức tiếp cận, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian lâu dài, dần dần lôi kéo đầu tư.
Các đối tượng sẽ tìm nhiều cách để không phải gặp mặt nạn nhân, lấy lý do đang ở nước ngoài, đi công tác… giả mạo định vị để tạo lòng tin. Kẻ lừa đảo luôn đóng vai người đầu tư cùng khiến nhiều nạn nhân dù đã nghi ngờ bị lừa nhưng vẫn tin tường “bạn đồng hành” nên tiếp tục chuyển tiền.
Nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội như Zalo, Telegram.., là những nhóm có nhiều thành viên đóng vai “chuyên gia đọc lệnh” cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản này thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các “chuyên gia đọc lệnh”. Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc việc chuyển tiền, các tài khoản ảo sẽ liên tục thúc giục, tạo sức ép để nạn nhân làm theo.
Về các biện pháp phòng tránh, cẩm nang của Bộ Công an khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán… vào các sàn giao dịch trực tuyến không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Cần tìm hiểu kỹ về thông tin của các sàn này trước khi đầu tư, đặc biệt tìm hiểu các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật hoặc giả mạo sàn đầu tư chính thống.
Người dân, các nhà đầu tư cũng cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với những người lạ trên mạng xã hội. Không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định được thân nhân, lai lịch người đó.
Nhà đầu tư chỉ thực hiện giao dịch trên các sàn chính thống đã được cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư nên trực tiếp đến văn phòng của các sàn giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.
Nếu đã bị lừa đảo mạng, người dân cần nhanh chóng trình abso ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời cần liên hệ với ngân hàng chủ quản để bảo cáo sự việc và đề nghị được hỗ trợ. Hãy lưu lại tất cả các thông tin như lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, giao dịch sao kê liên quan…. để cung cấp cho công an khi trình báo.
Người dân cũng cần tăng cường các biện pháp bảo mật như cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị.
Khi nghi ngờ bản thân có thể đang bị lừa đảo mạng, hãy tìm kiếm thông tin về những hình thức lừa đảo trên internet, tham vấn từ bạn bè, người thân hoặc chuyên gia.
Nếu đã từng bị lừa đảo, đừng ngại chia sẻ câu chuyện của mình để những người xung quanh có thể chủ động phòng tránh.