Các giao dịch vàng số lượng lớn sẽ bị vào "tầm ngắm"

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng, đơn vị kinh doanh vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm tục thực hiện báo cáo các giao dịch vàng có giá trị lớn, đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước ngày 15/7.

Trước đó, trong bối cảnh thị trường vàng có nhiều biến động, từ ngày 3/6, NHNN đã quyết định dừng việc đấu thầu vàng và giao 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC để triển khai bán vàng miếng cho người dân với giá bình ổn. Điều này dẫn đến việc tại các điểm bán của các ngân hàng và Công ty SJC luôn tập trung lượng người đến xếp hàng để mua vàng.

Để giải quyết tình trạng này, các đơn vị đã tập trung triển khai tiện ích đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho trên website của các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh khó đăng ký, nên vẫn phải đến các điểm bán để xếp hàng.

Các đơn vị kinh doanh vàng phải báo cáo những giao dịch số lượng lớn

Theo đại diện của một ngân hàng thương mại, đang có tình trạng nhiều người xếp hàng mua vàng hộ để nhận thù lao. Do đó, ngân hàng hạn chế số lượng mỗi khách hàng được mua tối đa trong ngày để ai cũng có thể mua vàng, đồng thời hạn chế tình trạng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom bàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, trục lợi chính sách.

Quy trình mua vàng tại các điểm bán là khách hàng phải mang theo căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân, sau đó phải điền thông tin cá nhân và được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt, sau đó là nhận hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên, nếu người dân mua vàng miếng SJC số lượng lớn trị giá hơn 400 triệu đồng thì theo Luật Phòng chống rửa tiền, sẽ phải khai báo thêm một tờ phiếu bổ sung thông tin như nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch vàng này đến từ đâu, địa chỉ cụ thể nơi làm việc, mức thu nhập trung bình 6 tháng gần nhất…

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, các giao dịch mua bán vàng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rửa tiền vì tính thanh khoản cao, giá trị lớn và phi tập trung. Trong đó, tính thanh khoản là một đặc điểm nổi trội của thị trường này, khi có thể mua bán nhanh chóng và dễ dàng trên nhiều kênh giao dịch khác nhau.

Đặc biệt, các giao dịch vàng thường được thực hiện rất nhanh chóng. Đây cũng là loại tài sản phi kỹ thuật số nên những thông tin nhận dạng riêng rất dễ bị chỉnh sửa, xóa bỏ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Do đó, khó có thể xác định được nguồn gốc và danh tính của những người sở hữu vàng. Ngoài ra, loại tài sản này cũng được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới như một kho lưu trữ giá trị và kênh thanh toán. Điều này giúp cho tội phạm dễ dàng chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành vàng và che giấu nguồn gốc của tiền.

Đồng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho biết, trên thị trường vàng, các giao dịch mua bán rất khó xác định được “người đứng sau” là ai. Những người dân mua bán nhỏ lẻ thường đến giao dịch trực tiếp tại tiệm vàng nhưng giới đầu từ nắm lượng lớn vàng thường không hiện diện trực tiếp tại cửa hàng mà giao dịch bằng phương tiện khác, thậm chí chỉ cần gọi điện thoại.

Từ những vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, việc căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống rửa tiền, các tổ chức kinh doanh vàng phải tăng cường thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, mục đích nhằm đảm bảo việc nhận biết giao dịch của khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền hay không.

Đối với các khách hàng mua vàng giá trị từ 400 triệu đồng trở lên, ngoài các thông tin cơ bản, việc khai thêm các thông tin khác giúp các tổ chức kinh doanh vàng xác định được rủi ro rửa tiền trong các giao dịch vàng; ngăn chặn việc sử dụng vàng để rửa tiền và bảo vệ khách hàng khỏi những rủi ro liên quan.

Quy định pháp luật hiện hành về phòng chống rửa tiền
I. Khoản 1, 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 quy định:
1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
II. Điều 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định: “Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng) trở lên.”
III. Điều 9 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định về "Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử".