Cảnh báo lừa đảo mạng tuần qua: Giả chữ ký Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để lừa đảo

Báo cáo của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tuần qua ghi nhận nhiều chiêu trò lừa đảo mới trên không gian mạng Việt Nam. Trong đó, các thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội, giả chữ ký Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH tiếp tục gây nhức nhối cộng đồng.

Cụ thể, theo Cục An toàn thông tin, gần đây Bộ LĐ-TB&XH đã ghi nhận một số phản ánh về việc có các đối tượng lừa đảo mạo danh Bộ và Trung tâm Lao động nước ngoài trực thuộc để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu đi nước ngoài làm việc.

Theo đó, chúng sẽ lập các fanpage có tên “Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”, “Tư vấn XKLĐ- ASIAN”, với thiết kế, hình ảnh, nội dung giống như được phát đi bởi Bộ LĐ- TB&XH.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và đăng tải các nội dung đính kèm hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với các đối tác nước ngoài nhằm củng cố niềm tin cho những người tiếp cận.

gia-mao-chu-ky-1732513657.jpg
Các đối tượng xấu đang lợi dụng tâm lý mong muốn ra nước ngoài lao động để lừa đảo người dân, thậm chí giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để thực hiện mục tiêu.

Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu xuất khẩu lao động cần đặc biệt cẩn trọng trước các lời mời chào trên mạng xã hội. Hãy chủ động tìm hiểu, đối chiếu thông tin của công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ với thông tin trong danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được đăng tải trên website dolab.gov.vn của Cục quản lý lao động ngoài nước.

Người dân có nhu cầu giao kết các hợp đồng liên quan cũng cần đọc kỹ nội dung trước khi thực hiện ký kết để đảm bảo quyền lợi cho mình, tránh các rủi ro.

Bên cạnh cảnh báo về việc giả mạo cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH, cục An toàn thông tin cũng cảnh báo người dân về tình trạng nở rộ của các quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới nhưng vẫn có nhiều người mắc phải. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm cách tiếp cận, liên hệ với những người có nhu cầu, quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội. Đồng thời, chúng sẽ gửi thông tin số tài khoản cho nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền để thực hiện dịch vụ. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ hoàn toàn chặn liên lạc.

Việc đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư của người khác. . Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tham gia, không sử dụng các dịch vụ này. Đồng thời không nên tải các ứng dụng không chính thống, cần sử dụng phần mềm bảo mật để quét và kịp thời phát hiện các phần mềm độc hại có thể đã bị lây nhiễm trong thiết bị, thường xuyên thay đổi mật khẩu email, tài khoản mạng xã hội và xác thực 2 yếu tố để tăng cường bảo mật…

doc-trom-tin-nhan-1732513815.jpg
Cục An toàn thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi tài khoản mạng xã hội.

Tuần qua, tình trạng lừa đảo mạo danh các đơn vị tổ chức sự kiện, cuộc thi cũng tiếp tục được ghi nhận. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thời điểm cuối năm, nhiều đơn vị tổ chức các cuộc thi, sự kiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thủ đoạn quen thuộc là chúng sẽ xây dựng các website, fanpage giả của các nhà tổ chức, các chương trình… để thu hút và tiếp cận các nạn nhân tiềm năng. Sau đó chúng sẽ dẫn dụ người có nhu cầu tham gia sự kiện, chương trình để chuyển sang Telegram để đăng ký, xét duyệt hồ sơ. Trong quá trình này, chúng sẽ tiếp tục yêu cầu người dùng đăng ký thực hiện nhiệm vụ đánh giá và mua trang phục bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp.

Tin tưởng vào dẫn dụ của các đối tượng lừa đảo, nạn nhân chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn, lúc này chúng sẽ tìm lý do như cú pháp sai, hệ thống bị lỗi để từ chối trả tiền gốc, yêu cầu chuyển khoản thêm tiền để xác minh đơn hàng… Đến khi nạn nhân hết tiền chúng sẽ cắt đứt liên lạc và hoàn toàn biến mất.

Với các  hình thức lừa đảo kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác khi tiếp nhận thông tin về các sự kiện, cuộc thi qua mạng xã hội; xác minh rõ danh tính của đơn vị tổ chức trước khi tham gia; nhấn mạnh yêu cầu không làm theo hướng dẫn của đối tượng; không cung cấp thông tin cá nhân; và tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc... để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân lẫn thiết bị.