Cụ thể, Cục An toàn thông tin cho biết, mới đây sàn TMĐT Amazon đã nhận được một số báo cáo về tình trạng mạo danh Amazon và các nhân viên của họ để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng này được ghi nhận tại Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 9, Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp và người dân về tình trạng các đối tượng xấu cố tình sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling Việt Nam gây hiểu lầm đây là hoạt động của Cục và Amazon. Mục đích của tội phạm nhằm đưa các thông tin lừa đảo, dẫn dụ người dùng tham gia các hoạt động kinh doanh bằng cách “treo thưởng”.
Cụ thể, sau khi liên hệ người hướng dẫn, người tham gia sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản; đăng ký mở thành công đại lý cửa hàng sẽ được hưởng 30.000 đồng thẻ cào điện thoại, sau khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên của cửa hàng sẽ được nhận 200.000 đồng tiền phụ giúp để hoàn thành hệ thống. Tiếp đến, các đối tượng sẽ trực tiếp chiết khấu và chuyển tiền vào tài khoản của người tham gia rồi lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của họ để tiếp tục lôi kéo những người thân, bạn bè khác cùng tham gia và gắn bó với công việc này.
Liên quan đến việc mạo danh các “big tech” và doanh nghiệp TMĐT nước ngoài, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân về tình trạng lừa đảo Google Play. Mặc dù, tình trạng lừa đảo này chưa ghi nhận tại Việt Nam song cũng đã gây không ít thiệt hại cho người dùng Google Play trên thế giới, không loại trừ sẽ nhắm đến người dùng Việt trong tương lai.
Cục dẫn chứng vụ việc của một phụ nữ Mỹ tên Judy May, một cư dân của Brownsville, bang Indiana, trình báo về vụ việc lừa đảo hồi tháng 4/2021. Cô May đã bị một đối tượng tự nhận là nhân viên chính phủ liên hệ, thuyết phục rằng cô đủ điều kiện nhận tiền trợ cấp liên bang nếu cô mua thẻ quà tặng Google Play. Để thanh toán các chi phí phát sinh, cô May đã cung cấp mã nằm ở mặt sau của thẻ, nhờ đó mà đối tượng lừa đảo đã sử dụng để thực hiện các giao dịch mua hàng khác. Tổng thiệt hại do vụ việc lừa đảo gây ra lên tới 1000$ (~25 triệu VNĐ).
Thẩm phán tòa án liên bang Mỹ, bà Beth Labson Freeman cho biết, Google không phải chịu trách nhiệm khi giữ lại hoa hồng từ 15% đến 30% cho các giao dịch mua mà những kẻ lừa đảo thực hiện bằng thẻ quà tặng, bởi vì hành vi của Google không liên quan đến hành vi gian lận nói trên. Theo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), vào năm 2023, người dân Mỹ đã mất 217 triệu USD trong các vụ gian lận thẻ quà tặng hoặc thẻ nạp tiền. Số tiền thực tế có thể cao hơn nhiều bởi vì dữ liệu chỉ bao gồm các trường hợp được báo cáo. Dữ liệu của FTC từ năm 2021 cho biết thẻ Google Play chiếm khoảng 20% các vụ lừa đảo thẻ quà tặng.
Về việc mạo danh các sàn TMĐT cũng đang được cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm thời gian qua. Tổ chức an ninh mạng Malwarebytes của Mỹ đã đưa ra cảnh báo về những trang web giả mạo dịch vụ chăm sóc khách hàng của sàn thương mại điện tử Ebay, được các đối tượng xấu lập ra với mục đích đánh cắp thông tin nhạy cảm của người dùng.
Theo đó, các đối tượng sẽ tạo lập các trang web với tên miền giả mạo và logo của Ebay để tiếp cận nạn nhân. Những website này thường được xuất hiện đầu tiên dưới dạng quảng cáo được tài trợ mỗi khi người dùng sử dụng Google để tra cứu. Sau khi truy cập, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo với giao diện sơ sài, đính kèm số điện thoại của các đối tượng lừa đảo. Khi gọi điện vào số điện thoại, kẻ lừa đảo sẽ tự nhận là nhân viên thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng, yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin và dữ liệu nhạy cảm như họ tên, số căn cước công dân, thông tin ngân hàng,... để xử lý và giải đáp các vấn đề một cách tốt nhất.
Theo các chuyên gia, tội phạm đã lợi dụng tâm lý người dân khi nhu cầu mua sắm online ngày càng nhiều dẫn đến các yêu cầu về hoàn trả cũng như giải quyết các khúc mắc về hàng hóa ngày càng gia tăng. Chính điều này đã vô tình tạo điều kiện để tội phạm lừa đảo mạng có cơ hội tiếp cận nhiều nạn nhân hơn.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống cần cẩn trọng kiểm tra, xác minh thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản, đồng thời cần xác thực thông tin tất cả các website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua chứng nhận “Đã thông báo Bộ Công thương”. Thêm vào đó, người dân không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân chưa xác minh, xác thực đối tượng giao dịch. Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người dùng để được hỗ trợ, giải quyết.