500 tấn vàng đang “ngủ đông” trong dân: Gây lãng phí lớn nếu không huy động được!

Vàng luôn được xem là một kênh trú ẩn an toàn đối với người dân Việt Nam nhưng nếu lượng tích trữ trong dân quá lớn có thể gây bất lợi cho nền kinh tế. Làm sao để vừa tận dụng được nguồn lực này vừa hài hòa lợi ích của người dân đang là vấn đề cần thiết lúc này.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về lượng tích trữ vàng trong dân nhưng theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, con số này có thể lên tới 500 tấn. Giới chuyên gia cho rằng, mọi tính toán số liệu chỉ có thể dựa trên lượng vàng nhập khẩu chính ngạch, chưa có con số nhập lậu, thị trường “chợ đen".

Vàng “ngủ đông” gây lãng phí 

Trong những ngày qua, hình ảnh người dân xếp hàng cả ngày lẫn đêm tại các điểm bán của Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và Công ty SJC để mua vàng đã trở nên khá quen thuộc với người dân ở Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí có người xếp hàng nhiều ngày vẫn chưa thể mua được số vàng mong muốn do ngân hàng hạn chế lượng bán cho mỗi người và lượng số giao dịch phát ra hàng ngày.

Để “giảm tải” cho các điểm giao dịch trực tiếp, các ngân hàng đã đồng loạt triển khai tiện ích đăng ký mua vàng trực tuyến trên website của ngân hàng, Vietcombank là đơn vị “tiên phong” khi bắt đầu dịch vụ từ 12/6. Tuy nhiên, ngay cả trên nền tảng số, không gian internet, người dân vẫn phải chịu cảnh “xếp hàng”.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao phải đội nắng đội mưa để xếp hàng mua vàng như thế? Không mua hôm nay thì mua hôm khác? Phải chăng có mục đích trục lợi?...Thực tế, giữa những hàng dài người đứng xếp hàng, ai cũng có trong mình một lý do riêng, có người thấy giá đang rẻ thì cố gắng mua để trả nợ, người mua để cưới hỏi, cho tặng, cũng có người tìm kiếm lợi ích…Nhưng tựu chung lại vẫn xuất phát từ nhu cầu tích trữ.

Người dân Việt Nam “mê” vàng là do giá trị của nó luôn đi theo chiều hướng ổn định

Các chuyên gia cho rằng, người dân Việt Nam “mê” vàng như vậy là do giá trị của vàng luôn đi theo chiều hướng ổn định. Nếu tính từ năm 2013 đến nay, giá vàng đã tăng từ 34,7 triệu đồng/lượng lên mức đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (phiên 10/5).

Sau biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng cũng duy trì ổn định ở mức gần 77 triệu đồng/lượng. Đáng nói, đây cũng là mặt hàng không có sự ảnh hưởng, vẫn tăng giá tốt ngay cả trong thiên tai dịch bệnh, những bất ổn địa chính trị.

Tuy nhiên, việc lượng vàng dự trữ trong dân quá lớn lại gây lãng phí nguồn lực trong việc sử dụng vàng như một công cụ chuyển đổi sang kênh đầu tư khác, dẫn đến bất lợi cho nền kinh tế.

Giới phân tích cho biết, chỉ cần huy động được 50% trong 500 tấn vàng trong dân thì cũng có hơn 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế, hoặc có thể dùng làm dự trữ quốc gia, bảo đảm giá trị tiền đồng, hay một khoản bảo đảm của Chính phủ để vay tiền của các tổ chức tài chính thế giới.

Bởi lẽ, theo chuyên gia kinh tế Phạm Quốc Khánh, vàng là một loại tài sản có khả năng chuyển đổi trong bất cứ nền kinh tế nào, kể cả kinh tế thị trường và phi thị trường. Do đó, tại hầu hết các quốc, đặc biệt là các nước phát triển, thường khai thác vàng để chuyển đổi thành các công cụ tài sản khác, phục vụ nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế.

Chưa kể, việc dự trữ vàng trong nhà lợi 1 thì hạn chế phải gấp 2 – 3 lần. Chẳng hạn, nếu người dân không bảo quản cẩn thận có thể mất, biến động giá cả cũng là một rủi ro mà người tích trữ vàng phải đổi mặt. Do đó, thay vì cất giữ, người dân cần nghĩ đến các kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.

Nếu tính từ năm 2013 đến nay, giá vàng đã tăng từ 34,7 triệu đồng/lượng lên mức đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (phiên 10/5)

Từng bước huy động vàng trong dân

Cũng theo ý kiến các chuyên gia, vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng vàng tăng giá sẽ tác động đến nền kinh tế. Vàng trong nước tăng giá mạnh khả năng do ảnh hưởng hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng từ đó dẫn đến việc ảnh hưởng đến tỷ giá.

Một hệ lụy khác nữa là mỗi khi giá vàng tăng, tâm lý lo lắng tiền đồng mất giá sẽ khiến người dân tìm cách mua vàng thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời cũng tác động đến lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán…

Do vậy, không chỉ thu hẹp mức chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới, chống “vàng hóa” nền kinh tế cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những giải pháp là huy động vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Trong một cuộc họp với NHNN, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cũng đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn

“Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước có thể sẽ sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước cho biết.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cũng đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn, nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vào sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và cơ quan điều hành cũng xác định đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo đó, về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn thay thế, giảm tập trung vào vàng.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu…cùng với đó tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đề xuất, NHNN sẽ là cơ quan chủ trì để huy động nguồn vốn từ nhân dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Theo đó, NHNN sẽ đứng ra huy động số vàng từ nhân dân thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và số vàng đó sẽ được lưu trữ tại đây dưới sự ủy quyền của NHNN. Đồng thời, cơ quan này cũng cam kết với người dân sẽ trả lại đúng với số vàng đã huy động.