Cần thiết nâng tiêu chuẩn khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Các chuyên gia môi trường đánh giá, nếu mỗi chiếc ô tô và xe máy đang lưu thông được coi như một trạm phát thải di động thì Việt Nam hiện có hàng chục triệu trạm như vậy. Những phương tiện này sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Dự thảo lần 3 của Quyết định Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp vừa được Bộ Tư pháp công bố vào ngày 9/10. Để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, dự thảo đề xuất tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn khí thải hiện hành tại Quyết định số 249/2005, Quyết định 49/2011 và một phần Quyết định 16/2019.

Theo đó, ô tô nhập khẩu mới và ô tô sản xuất, lắp ráp sẽ tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5. Xe gắn máy hai bánh nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2. Xe mô tô hai bánh sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 đến hết ngày 30/6/2027 và chuyển sang tiêu chuẩn mức 4 từ ngày 1/7/2027. Ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng sẽ tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn mức 4.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bổ sung lộ trình thực hiện cho một số loại xe, trong đó nâng tiêu chuẩn khí thải với xe mô tô hai bánh từ mức 3 lên mức 4 từ ngày 1/7/2027. Bộ khẳng định, việc này khả thi và dẫn chứng rằng các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho sự thay đổi này.

Nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 sẽ giúp giảm 50 - 60% lượng khí độc hại phát thải từ xe mô tô. Bộ nhấn mạnh, với khoảng 3 triệu xe máy mới được đưa vào vận hành hàng năm, việc nâng cao tiêu chuẩn khí thải sẽ có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường không khí. Hơn nữa, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã áp dụng hoặc có kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Euro 4, như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMA) cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm có lộ trình nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô lên mức 4 để phù hợp với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất áp dụng mức phát thải bằng "0" đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh nhập khẩu từ ngày 1/1/2026, nhằm khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh và không phát thải ô nhiễm. Cơ quan soạn thảo nhận định rằng quy định này có thể áp dụng sớm mà không tác động lớn đến xã hội.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp dụng hoặc có kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 đối với mô tô, xe máy. Việc nâng mức tiêu chuẩn khí thải lên mức 4 sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp, vì phần lớn công nghệ hiện có cho mô tô đã đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 mà không cần phải thay đổi lớn về công nghệ.

Khí thải từ xe máy không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn có tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nhận định, Hà Nội và nhiều thành phố khác ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này là từ phương tiện giao thông cá nhân.

Một nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào năm 2023 cho thấy, tại các đô thị lớn ở nước ta, đến 70% khí thải ô nhiễm môi trường xuất phát từ phương tiện giao thông. Lượng khí thải này ngày càng gia tăng cùng với sự bùng nổ số lượng phương tiện, đặc biệt là xe cá nhân.

Các chuyên gia môi trường đánh giá, nếu mỗi chiếc ô tô và xe máy đang lưu thông được coi như một trạm phát thải di động thì Việt Nam hiện có gần 80,6 triệu trạm như vậy (dựa trên số liệu xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023), trong đó có hơn 6,3 triệu ô tô và 74,3 triệu xe máy.

Những phương tiện này sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không chỉ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí mà còn có tác động tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc nâng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy là cần thiết.

Tiêu chuẩn khí thải Euro là một loạt các tiêu chuẩn về lượng khí thải ô nhiễm từ các phương tiện giao thông được quy định bởi Liên minh châu Âu (EU). Mỗi mức tiêu chuẩn Euro (từ Euro 1 đến Euro 6) quy định mức giới hạn cho từng loại chất ô nhiễm như oxit nitơ (NOx), hydrocarbon (HC), carbon monoxide (CO) và bụi mịn (PM).

Tiêu chuẩn khí thải Euro 4 có hiệu lực từ tháng 1/2005, hướng tới mục tiêu làm sạch khí thải từ các xe chạy bằng động cơ diesel cùng các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với bụi mịn (PM) và oxit nitơ (NOx). Cụ thể, CO: 1 g/km (xăng) và 0,50 g/km (diesel), HC: 0,10 g/km (xăng), NOx: 0,08 g/km (xăng) và 0.25 g/km (diesel), HC + NOx: 0,30 g/km (diesel), PM: 0.025 g/km (diesel).