CEO Telegram được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 5,56 triệu USD

Người sáng lập Telegram Pavel Durov đã được bảo lãnh với số tiền khổng lồ lên tới 5,56 triệu USD và đã được tại ngoại. Tuy nhiên do cuộc điều tra liên quan tới trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên nền tảng nhắn tin mã hóa này vẫn tiếp tục, ông Durov vẫn chưa được phép rời khỏi Pháp.

Theo CNN, Pavel Durov - CEO của Telegram vừa được bảo lãnh và tại ngoại sau khi nộp số tiền lên tới 5,56 triệu USD. Ông vẫn phải ở lại Pháp dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp và phải đến đồn cảnh sát trình diện 2 lần một tuần.

Tỷ phú công nghệ này được cho là đã bị bắt tại một sân bay gần Paris vào thứ Bảy tuần qua như một phần của cuộc điều tra sơ bộ về cách tiếp cận lỏng lẻo của ứng dụng đối với việc kiểm duyệt và không ngăn chặn các hoạt động phạm tội. Telegram cũng được cho là bị cáo buộc không hợp tác với cảnh sát. Vụ bắt giữ đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng những ngày qua.

Sau khi nộp số tiền bảo lãnh khổng lồ lên tới 5,56 triệu USD, CEO Telegram Pavel Durov đã được tại ngoại nhưng vẫn phải tới trình diện tại cơ quan cảnh sát Pháp 2 lần một tuần.

Tuy bị bắt giữ từ ngày 24/8 nhưng phải đến ngày 28/9, cuộc điều tra mới được công bố, các công tố viên cho biết, họ có đủ bằng chứng để tiến hành một cuộc điều tra chính thức. Tuyên bố của văn phòng công tố Pháp cho hay, Văn phòng Quốc gia Pháp về trẻ vị thành niên đã báo cáo với họ về việc “gần như không có phản hồi” từ Telegram đối với các yêu cầu của tòa án liên quan đến các hành vi phạm tội bao gồm buôn người, phát ngôn thù địch trực tuyến và ấu dâm. Telegram đang bị nghi ngờ “đồng lõa trong việc quản lý một nền tảng cho phép giao dịch bất hợp pháp trong một băng đảng có tổ chức”, hành vi phạm tội này có thể bị phạt tù tối đa 10 năm.

Vụ việc gây ra những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận và gây ra những lo ngại đặc biệt ở cả Ukraine và Nga. Nga đã chỉ trích Paris vì đã bắt giữ Durov. Điện Kremlin đã tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ ở Nga về tương lai của ứng dụng này khi người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov cố gắng xua tan lời kêu gọi người dùng xóa tin nhắn nhạy cảm trên ứng dụng.

Telegram bị nhiều cơ quan thực thi pháp luật ví như hang ổ online của tội phạm mạng.

Về phía Telegram, họ cho biết, nền tảng của mình tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số — việc kiểm duyệt của họ nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện.

Telegram là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng rộng rãi ở một số khu vực của Châu Âu và Châu Á. Durov cho biết đầu năm nay rằng ứng dụng này đã đạt gần một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Ứng dụng này sử dụng mã hóa đầu cuối và hỗ trợ các nhóm có hàng chục nghìn thành viên, cho phép chia sẻ thông tin hàng loạt và nội dung không bị kiểm duyệt.

Vào chiều Chủ Nhật, sau khi CEO bị bắt giữ, Telegram đã đăng một tuyên bố trên kênh tin tức chính thức của mình và trên X, nói rằng CEO Durov "không có gì phải che giấu" và "thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó".