Chuyện về những chàng rể ngoại đón Tết Việt

Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt không chỉ với người Việt, mà còn là trải nghiệm thú vị đối với những chàng rể ngoại quốc. Như anh Young Sang (người Hàn Quốc) chia sẻ, anh thấy rất thú vị với văn hóa ăn tất niên và sở thích hát karaoke trong dịp Tết.

Thích Tết và yêu văn hóa Việt Nam

Ông Huseyin - người Thổ Nhĩ Kỳ bán nước mía trên chiếc xe nhỏ trước cửa nhà ở đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú, TP. HCM). Trên xe có dán một tấm biển ghi: "Tôi là người Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi bán các loại nước. Tôi không biết tiếng Việt, mong cả nhà ủng hộ. Cảm ơn!". Chính nhờ sự yêu mến và hỗ trợ từ khách hàng mà công việc kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi.

Câu chuyện của ông bắt đầu vào năm 2017, khi ông còn làm công nhân xây dựng ở TP. Tunceli (Thổ Nhĩ Kỳ). Thời điểm đó, ông tình cờ quen biết bà Nguyễn Thị Chung (48 tuổi, TP. HCM) qua mạng xã hội. Sau một thời gian trò chuyện, tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, ông Huseyin quyết định đến TP. HCM gặp bà Chung vào năm 2019. Họ kết hôn và ông quyết định ở lại Việt Nam.

Ông Huseyin đã đón 5 cái Tết ở Việt Nam (Ảnh: Thanh Niên)

Đây là năm thứ 5 ông đón Tết ở Việt Nam. Trước đây, ông cùng vợ tham gia công việc kinh doanh của gia đình, nhưng gần đây ông quyết định tự mở xe bán nước mía, nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ vợ.

Bà Chung chia sẻ, điều bà trân quý nhất ở chồng là sự hiền lành, chăm chỉ và sống tình cảm. Mặc dù ngôn ngữ có sự khác biệt, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ, vì cả hai luôn thấu hiểu nhau.

Với ông Huseyin, vợ là người chu đáo, quan tâm và chăm sóc cho chồng. Nhờ tình yêu thương và sự hỗ trợ từ bà, cuộc sống của ông ở Việt Nam trở nên dễ dàng và không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thích nghi.

Bà Chung cho biết, cái Tết đầu tiên ở Việt Nam, ông Huseyin rất phấn khích. Vợ chồng bà cùng đi chợ Tết mua sắm. Sau pháo hoa giao thừa, ông Huseyin chở bà đi chùa gần nhà cũ ở quận 8. Những ngày Tết, vợ chồng bà đi dạo đường hoa, đi du xuân. Nhà còn mua pháo giấy để bắn. Ông Huseyin rất thích loại pháo này.

Có một năm, ông Huseyin theo vợ về quê nhà Quảng Ngãi ăn Tết. Ông kể, lần đầu về quê vợ, mọi người tò mò, vây quanh hỏi thăm khiến ông vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ. Ông cũng chuẩn bị phong bao lì xì cho các cháu trong gia đình theo phong tục truyền thống.

Đối với ông Huseyin, đón Tết ở Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời, hoàn toàn khác biệt so với ở quê hương ông. Mỗi năm qua đi, ông lại càng thêm thích Tết và yêu văn hóa Việt Nam, mong muốn được sống ở đây mãi.

Sợ bị mời rượu

Anh DallaGrana Vincent Luke (SN 1985, quốc tịch Mỹ) đã tranh thủ kỳ nghỉ 7 ngày để cùng vợ và hai con gái bay từ Đài Loan về quê vợ ở tỉnh Thanh Hóa, đón Tết cổ truyền Việt Nam. Anh Luke đã có 8 lần về quê vợ để đón Tết.

Anh Luke rất thích không khí những ngày Tết cổ truyền (Ảnh: Dân Trí)

Anh Luke kết hôn với chị Hoàng Thị Thúy vào năm 2015. Sau khi kết hôn, họ sinh sống ở Hà Nội và chuyển sang Đài Loan vào đầu năm 2022. Anh chia sẻ, bản thân rất mê Tết ở Việt Nam. Đó là phong tục, một nét đẹp văn hóa truyền thống. Anh thích không khí những ngày gần Tết, khi mọi người sắm sửa đồ ăn ngon, trang trí nhà cửa, ai cũng vui vẻ.

Mỗi lần về quê vợ đón Tết, anh Luke đều cùng vợ đi chợ quê mua đào, quất và đồ ăn. Anh cảm thấy hạnh phúc khi được vợ dạy cách dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả để thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Anh đặc biệt thích không khí mọi người cùng quây quần gói bánh chưng trước sân.

Anh Luke bộc bạch, anh có cảm giác, khi mọi người chuẩn bị cho dịp Tết, ai cũng rất tự hào về những món ăn, thức uống mình mua, tất cả đều rất ngon.

Chị Hoàng Thị Thúy cho biết, anh Luke nhớ Tết ở Việt Nam như nhớ lễ Giáng sinh ở Mỹ. Có những lần, anh nóng lòng muốn về sớm để cùng gia đình chuẩn bị Tết cho thật chu đáo.

Chàng rể người Mỹ chia sẻ, gia đình vợ đông người và chỉ có dịp gặp nhau một lần mỗi năm, dù đã cố gắng học phát âm rõ tiếng Việt, anh vẫn chưa thể nhớ hết cách gọi theo vai vế như cậu, dì, o, mợ và không thể thuộc tên từng người trong gia đình.

Anh Luke cũng cảm thấy "choáng" trong lần đầu đón Tết cổ truyền ở quê vợ. Vào chiều tất niên, khi cả gia đình ngồi ăn cơm, anh được mọi người mời rượu liên tục. Khi về nhà, anh say và mệt mỏi từ mùng 1 đến mùng 2 Tết.

Anh cũng tâm sự, dù đã đi qua nhiều quốc gia, nhưng ẩm thực Việt Nam là ngon nhất đối với anh. Trong các món ăn, anh đặc biệt yêu thích các món ăn sáng như hủ tiếu, phở, bánh cuốn, và bánh cuốn thịt heo. Anh cũng rất mê nước mắm và các gia vị đặc trưng của món ăn Việt.

Chàng rể người Mỹ cũng bày tỏ tình yêu với đất nước, con người Việt Nam và cho biết anh sẽ cố gắng để quay lại và định cư lâu dài tại đây.

Thấy thú vị với sở thích hát karaoke

Năm 2021, chị Phùng Bích Huyền (30 tuổi, Hải Phòng) đón Tết Nguyên đán lần đầu tiên ở nhà chồng tại Hàn Quốc vì dịch Covid-19. Ba năm tiếp theo, vợ chồng chị đều cố gắn sắp xếp về Việt Nam ăn Tết với gia đình từ mùng 2 hoặc mùng 3.

Vợ chồng chị Huyền - anh Young Sang đón Tết Ất Tỵ tại Việt Nam (Ảnh: Tri Thức - Znews)

Năm nay, chị Huyền và chồng Song Young Sang (31 tuổi) lần đầu tiên được đón giao thừa ở Việt Nam. Hai người rất háo hức đi chợ mua cành đào, hoa và trang trí nhà cửa.

Đối với chị Huyền và chồng, việc đón Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam mang lại những trải nghiệm rất khác biệt. Ở Việt Nam, những ngày giáp Tết rất nhộn nhịp, người dân hối hả mua sắm, làm đẹp, chọn đào, mai. Còn ở Hàn Quốc, mọi người thường coi Tết là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng.

Chị Huyền cho hay, ở Hàn Quốc, Trung Thu và Tết Nguyên đán là 2 dịp lễ lớn nhất, nhưng chỉ có 3 ngày nghỉ. Nhiều người tranh thủ đi du lịch nước ngoài hoặc chỉ ở nhà ngủ.

Anh Young Sang cũng chia sẻ, Tết âm lịch ở Việt Nam mang lại không khí đông vui và nhộn nhịp hơn nhiều so với Hàn Quốc. Anh rất bất ngờ khi thấy người Việt đổ xô ra chợ sắm Tết. Trong khi ở Hàn, người dân chỉ mua sắm ở các trung tâm thương mại, rất ít chợ truyền thống. Đường phố ở Hàn Quốc cũng không được trang hoàng như ở Việt Nam.

Ngoài ra, Young Sang cũng thấy văn hóa ăn tất niên và sở thích hát karaoke trong dịp Tết rất thú vị. Anh hài hước bảo, tại Hàn Quốc, nếu bật loa hát karaoke như ở Việt Nam, hàng xóm sẽ ngay lập tức gọi cảnh sát.

Anh Young Sang chia sẻ, anh sẽ tiếp tục học tiếng Việt để nâng cao khả năng giao tiếp. Anh cũng muốn trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa và cuộc sống tại Việt Nam.

Tổng hợp