Con người luôn có ưu thế hơn AI

Mới đây, một nghiên cứu khoa học của Đại học California đã kết luận kết quả mà AI trả về có thể ngày càng trở nên giống nhau và mang thiên kiến nặng nề.

Thực tế, việc phản biện 2 chiều với một công cụ AI tổng quát để cải thiện đầu ra của nó sẽ mất rất nhiều thời gian. Trường hợp khi quá phụ thuộc vào công cụ AI để hỗ trợ viết email, giấy tờ hay bất kỳ nội dung nào rất có khả năng phong cách viết độc đáo của người dùng sẽ biến mất.

Nội dung nghiên cứu của Đại học California nhấn mạnh: “Nếu học sinh sử dụng sự trợ giúp của ChatGPT cho bài tập về nhà, phong cách viết của họ rồi sẽ bị ảnh hưởng bởi ChatGPT”.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra ở quy mô lớn, những nội dung từ AI không thể độc đáo bằng những gì người dùng tạo ra nếu không có AI.

Nội dung từ AI không thể độc đáo bằng những gì con người tạo ra

Đặc biệt, mối lo ngại này sẽ trở nên cấp bách hơn khi nội dung do AI tạo ra đã lan truyền trên Internet và được dùng để đào tạo thế hệ AI tiếp theo. Từ đó, dẫn đến nguy cơ tạo ra “vòng xoáy tử thần” khiến nội dung bị trùng lặp, giảm chất lượng. Dù hỏi bất kỳ câu hỏi nào, người dùng cũng chỉ nhận được một câu trả lời nhạt nhẽo, không có điểm đặc biệt.

Điều này không chỉ xảy ra ở nội dung văn bản thông thường mà còn có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực có ứng dụng AI tổng hợp như viết code đến tạo hình ảnh, âm thanh.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, cho dù là bất kỳ thành kiến nào có trong các công cụ AI, dù cố ý hay vô ý, dù thiên hướng chính trị hay các vấn đề khác đều có thể được khuếch đại trên toàn xã hội nếu AI tạo sinh được áp dụng rộng rãi hơn.

Vì vậy, nhằm chống lại các kết quả AI tẻ nhạt và duy trì nội dung đa dạng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra đề xuất, các hãng nên tìm cách giúp người dùng trình bày yêu cầu với hệ thống AI dễ dàng hơn. Chẳng hạn như thiết kế AI tự động đặt câu hỏi theo sau để có câu trả lời chi tiết hơn hoặc khuyến cáo người dùng đánh giá câu trả lời. Tuy nhiên, cách làm này không khả thi nếu người dùng không có thời gian.

Maria De-Arteaga, trợ lý giáo sư tại Đại học Texas ở Austin cho biết: Điều quan trọng là các công ty AI nên có hướng dẫn, giới thiệu cụ thể về những khả năng và hạn chế của hệ thống AI khi sử dụng. Việc làm này sẽ giúp người dùng hiểu những rủi ro và tùy chỉnh, kiểm soát đầu ra của chatbot.

Tờ New York Times đưa tin: Cách sử dụng chatbot AI kém hiệu quả nhất là khi người dùng đặt câu hỏi và kỳ vọng AI sẽ trả về chính xác tất cả các kết quả. Bởi, thực tế đã chứng minh nếu được hướng dẫn tham khảo thông tin từ các nguồn đáng tin cậy thì AI hoàn toàn có thể thực hiện các yêu cầu với độ chính xác cao. Khi đó, lượng thông tin sai lệch được tạo ra và lan truyền sẽ được giảm thiểu.

Cách sử dụng chatbot AI kém hiệu quả nhất là khi người dùng đặt câu hỏi và kỳ vọng AI sẽ trả về chính xác tất cả các kết quả

Nhà sáng lập startup AI Context, Sam Heutmaker chia sẻ: “Nếu bạn cung cấp thông tin phù hợp, chúng có thể làm được những điều thú vị với lượng thông tin đó. Nhưng nếu để chúng tự ‘bơi’, 70% những gì bạn nhận được đều không chính xác”.

Một ví dụ nhỏ để minh chứng cho hiện tưởng này là các chatbot như ChatGPT và Bard có thể viết các công thức nấu ăn hay ho trên lý thuyết nhưng lại không hiệu quả trên thực tế. Bằng chứng cho việc này là trong một thử nghiệm của tờ New York Times vào tháng 11 năm ngoái, các mô hình AI đã tạo ra công thức nấu ăn với món gà nướng khô quắt hoặc những chiếc bánh ngọt cứng, thô ráp. Trang tin này cũng từng nhận kết quả thất vọng với các công thức nấu hải sản do AI tạo ra.

AI không phải thứ đáng sợ, thậm chí đã và đang hỗ trợ con người rất nhiều trong cả công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, người dùng bắt buộc phải tăng cường thêm năng lực và các kỹ năng để không bị thay thế bởi AI.