Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách liên quan đến việc xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, đã ghi nhận ý kiến cho rằng phương pháp thu thuế hiện nay đối với chuyển nhượng chứng khoán còn nhiều bất cập.
Thiệt hại vẫn phải nộp thuế thu nhập
Cụ thể, việc áp dụng thu thuế theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán từng lần, ngay cả khi cá nhân bị lỗ, được đánh giá là chưa phù hợp. Nhiều ý kiến đề xuất thay đổi cách tính thuế, chỉ thu trên phần thu nhập có lãi của nhà đầu tư.
Theo quy định hiện hành, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được tính bằng 0,1% trên giá bán từng lần giao dịch. Chẳng hạn, nếu một nhà đầu tư bán chứng khoán với giá 100 triệu đồng, họ sẽ phải nộp 100.000 đồng thuế thu nhập cá nhân, bất kể giao dịch đó lãi hay lỗ. Quy định này được Bộ Tài chính lý giải nhằm đảm bảo sự đơn giản và minh bạch trong chính sách thuế, đồng thời giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Trước đây, cơ quan thuế từng áp dụng hai phương pháp tính thuế: 20% trên thu nhập năm (tính trên giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan) hoặc 0,1% trên giá bán từng lần trong trường hợp không xác định được giá vốn và chi phí. Đối với cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm, họ vẫn phải tạm nộp 0,1% trên giá bán từng giao dịch và được trừ số thuế tạm nộp khi quyết toán cuối năm. Tuy nhiên, quy định hiện hành không còn cho phép gộp chung các giao dịch để quyết toán hoặc hoàn thuế, ngay cả khi thu nhập cả năm không đạt ngưỡng chịu thuế.
Việc áp dụng mức thu 0,1% trên giá bán từng lần, không phụ thuộc vào lãi hay lỗ, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư càng giao dịch nhiều, Nhà nước càng thu được nhiều thuế. Điều này đặt gánh nặng không nhỏ lên nhà đầu tư, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường suy giảm.
Chị Nguyễn Vân (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, chị và nhiều nhà đầu tư chứng khoán khác đã chịu thua lỗ nặng nề, có tài khoản giảm tới 40%. Dù vậy, họ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân đều đặn. Gọi là thuế thu nhập nhưng lại áp dụng ngay cả khi không có thu nhập, thậm chí lỗ vốn, vẫn phải nộp 0,1%.
Đồng cảm với chị Vân, anh L.V.Hùng, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cũng cảm thấy không thoải mái khi phải đóng thuế trong hoàn cảnh thua lỗ triền miên. Từ đầu năm, anh và nhiều nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu để cắt lỗ, thường xuyên chịu cảnh "mua giá 22, nhưng phải bán giá 18, thậm chí chỉ 16".
"Thiệt hại đã quá lớn rồi, vậy mà vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thật sự không khỏi ấm ức”, anh Hùng cho biết.
Đồng cảm với các nhà đầu tư, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế nhận định, chính sách thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán dù lỗ hay lãi đã tồn tại nhiều bất cập trong suốt thời gian qua. Quy định này chỉ giúp đơn giản hóa công việc cho cơ quan thuế, còn gây nhiều bất lợi cho người dân, thậm chí được xem là lạm thu.
Chính sách đúng đắn hỗ trợ nhà đầu tư
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng như một công cụ điều tiết, góp phần phân phối lại thu nhập và dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải cải cách và xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ hơn, nhằm khắc phục các vướng mắc và hạn chế còn tồn tại trong chính sách thuế hiện hành.
Do vậy, trong đề xuất xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng chính sách thuế phù hợp với thực tiễn kinh doanh của cá nhân, tạo động lực khuyến khích làm giàu chính đáng và đảm bảo tính hiệu quả của thuế như một công cụ điều tiết. Đồng thời, luật mới phải đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với thông lệ quốc tế và phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Một số chuyên gia cho rằng, chính sách này là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với tâm lý thận trọng kéo dài của nhà đầu tư khi cơ hội sinh lời vẫn chưa rõ ràng, trong khi rủi ro thường trực. Từ đầu tháng 10/2023 đến nay, chưa có phiên giao dịch nào trên thị trường ghi nhận thanh khoản vượt mốc 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE trong quý III chỉ đạt 14.157 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với quý II và là mức thấp nhất từ quý II/2023. Đáng chú ý, hơn 83% lượng cổ phiếu trên sàn ghi nhận sự sụt giảm thanh khoản trung bình. Thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch trầm lắng, dòng tiền tham gia nhỏ giọt và thiếu vắng các nhóm cổ phiếu dẫn dắt tạo xu hướng.
Lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho biết một số yếu tố đang làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Như việc khối ngoại đã bán ròng 19/20 tháng kể từ tháng 4/2023 với tổng giá trị 4,4 tỷ USD, sức hút ngày càng tăng của các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, tiết kiệm…Việt Nam chưa được nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi tiếp tục là một yếu tố làm giảm sức hút đối với dòng vốn quốc tế.
Nhóm phân tích của SGI Capital, công ty quản lý quỹ The Ballad Fund, cũng đưa ra nhận định tương tự trong báo cáo mới đây. Họ nhận thấy dòng tiền trong nước, sau nhiều tháng không mang lại lợi nhuận, đang tiếp tục xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán để chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản.
"Các cơ hội phân hóa đơn lẻ vẫn tồn tại nhưng ở quy mô và số lượng hạn chế, không đủ để thay đổi bối cảnh khó kiếm lời trên thị trường chứng khoán, tình trạng này đã kéo dài suốt 6 tháng qua”, SGI Capital đánh giá.
SGI Capital chỉ ra áp lực rút vốn trên thị trường đã dẫn đến sự sụt giảm số dư tiền mặt trong hai quý liên tiếp, trong khi dư nợ margin tăng lên mức kỷ lục. Tính đến cuối quý III, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đạt khoảng 236.378 tỷ đồng, tăng thêm gần 9.100 tỷ so với quý II và duy trì xu hướng tăng suốt 6 quý qua. Đồng thời, số dư tiền gửi trong tài khoản của nhà đầu tư giảm gần 3.800 tỷ đồng, xuống còn khoảng 91.594 tỷ đồng, đánh dấu quý giảm thứ hai liên tiếp. Xu hướng này tiềm ẩn nhiều rủi ro với thị trường.