Mới đây, VietinBank chi nhánh Biên Hòa cũng thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH MTV Sản xuất thức ăn chăn nuôi Bình Minh để thu hồi nợ vay. Danh mục tài sản mang ra đấu giá gồm 13 máy móc thiết bị thuộc sở hữu của công ty như: máy in, xe nâng hàng, cân xác định ẩm độ, cân nguyên liệu, cân xe tải 100 tấn…
Nhiều tài sản gây bất ngờ
Cũng trong thời gian này, ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Giang 2 đã có thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo gồm gần 7.000 thùng rượu vang các loại và 1.500 chai rượu vang ý với giá bán khởi điểm là hơn 17 tỉ đồng (đã bao gồm thuế VAT). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Hai Thanh (số 79 Tân Quang, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Cũng tại Agribank, cách đây không lâu, chi nhánh Bắc TP.HCM thông báo lựa chọn tổ chức thẩm định giá đối với khoản nợ vay của Công ty CP Trương Thiên Hà theo hợp đồng tín dụng được ký từ tháng 12/2018.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay là các bất động sản tại Hà Nội. Đáng chú ý, trong số này có toàn bộ tài sản hiện có và hình thành trong tương lai tại Khu hoa viên và Nhà tang lễ thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Công trình có diện tích 4ha gồm nhà tang lễ, nhà dịch vụ tổng hợp, tháp lưu cốt. Đây là dự án công trình xã hội giữa doanh nghiệp và địa phương do Công ty Trương Thiên Hà làm chủ đầu tư.
Không chỉ rượu vang, nhà tang lễ, trước đó, ngân hàng cũng tìm người mua cho nhiều tài sản đặc biệt khác như đàn gà, sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây…
Đơn cử, hồi cuối năm 2022, VietinBank đã thông báo lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP ĐTK và Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Ngoài quyền sử dụng đất, hàng tồn kho, danh mục tài sản thế chấp của doanh nghiệp còn là toàn bộ số lượng gà “3 đời” gồm gà ông bà, bố mẹ, gà con và hoa lợi phát sinh tại trại gà xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Các khoản nợ phát của 2 công ty này phát sinh ở VietinBank Thăng Long và VietinBank Đống Đa với tổng công nghĩa vụ nợ tính đến ngày 5/10/2022 là 920,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, VietinBank rao bán gộp tất cả các khoản nợ với mức giá khởi điểm 189 tỉ đồng.
Hay như tháng 7/2022, sau nhiều lần rao bán bất thành, Agribank chi nhánh Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty CP Cà phê Thái Hòa Hòa Bình là diện tích đất lên đến 75.000m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 3,4 tỉ đồng.
Hạng mục “đính kèm” khu đất này theo thông báo của ngân hàng là “hàng nghìn cây cà phê lâu ngày không được chăm sóc, số còn lại chỉ 30% so với thời điểm thế chấp và đều bị còi cọc, chậm phát triển”.
Tương tự, tài sản đảm bảo được rao bán của Agribank chi nhánh Lào Cai II cũng gây bất ngờ khi là lô hàng hóa tồn kho gồm các mặt hàng quần áo thời trang, gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đều cũ, lỗi mốt…có giá khởi điểm 60 triệu đồng.
Agribank chi nhánh Bình Thạnh rao bán lô tài sản xe, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu thanh lý, đã qua sử dụng với giá khởi điểm là 166,05 triệu đồng. Theo cập nhật của ngân hàng, tình trạng lô máy móc này đều đã hư hỏng hoàn toàn, nhiều bộ phận bị tháo rời. PVcomBank từng rao bán đấu giá lô thiết bị gia dụng gồm bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh... trong tình trạng đã hao mòn với giá khởi điểm 18 tỷ đồng.
Rao bán cả khoản vay tín chấp giá trị…vài nghìn đồng
Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có giá trị lớn, các ngân hàng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ. Điển hình, hồi cuối tháng 6 vừa qua, VietinBank đã rao bán danh sách 466 khoản nợ tiêu dùng có giá trị gần 9 tỉ đồng của ngân hàng. Ngân hàng cho biết có thể bán từng khoản , một số khoản nợ hoặc tất cả trong danh sách.
Trong danh sách này, nhiều khoản nợ vay tiêu dùng gồm cả gốc, lãi và lãi phạt lên tới hàng triệu đồng nhưng có có khoản nợ chỉ hơn 40.000 đồng. Trước đó, theo thông báo hồi tháng 3 năm nay, trong danh sách hàng trăm khoản nợ tín dụng được đem bán, có khoản nợ thậm chí chỉ hơn 2.000 đồng.
Đặc biệt, có ngân hàng từng rao bán khoản nợ của công ty bất động sản lên tới gần 6 tỉ đồng. Nhưng trong số đó, số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là nợ lãi phát sinh.
Theo một lãnh đạo cấp phòng tại một công ty chuyên xử lý nợ xấu cho biết với nhiều tài sản đảm bảo, dù biết khả năng thanh khoản thấp nhưng vẫn phải tiến hành thủ tục rao bán. Theo đó, để làm các bước sau trong quy trình xử lý nợ xấu, rao bán công khai là thủ tục không thể thiếu.