Giá nhà gấp gần 24 lần thu nhập hàng năm, giấc mơ an cư của người Việt ngày càng khó

Theo các chuyên gia chỉ số giá nhà trên thu nhập sẽ là lý tưởng khi ở mức từ 5-7 lần bởi khi khoảng cách này càng bị kéo ra xa thì nhu cầu an cư của người dân ngày càng xa vời.

Nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo vừa cập nhật "Tỷ số giá nhà trên thu nhập" (HPR) năm 2024 cho thấy, giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập bình quân hàng năm của hộ gia đình. Trong khi đó, con số này vào năm 2023 là 23,5 lần. Theo các chuyên gia, chỉ số này sẽ lý tưởng khi ở mức từ 5-7 lần.

Chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại Việt Nam ngày càng tăng cao, thể hiện qua HPR tại Việt Nam năm nay tăng 20,54% so với 2019.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2023, qua số liệu tổng hợp của các địa phương và thông tin khảo sát đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng giá tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Hiện thị trường gần như không có phân khúc mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Tỷ số giá nhà trên thu nhập ở Việt Nam ngày càng tăng.

Trong năm qua, giá nhà chung cư nội thành tăng 77%, tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Sang năm 2024, Hà Nội vẫn thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới.

Theo nghiên cứu của NetCredit, hiện Hà Nội đang nằm trong top 10 thủ đô trên thế giới có giá nhà cao so với thu nhập bình quân người dân.

Hãng dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam cho rằng, khi giá nhà ngày càng xa tầm với, nhiều gia đình trẻ tại Việt Nam cân nhắc đi thuê thay vì mua nhà. Tuy nhiên, tiền thuê cũng ngày càng leo thang. 

Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược Batdongsan.com.vn nhận định, giá bất động sản không ngừng tăng và ngày càng bỏ xa thu nhập của người dân. Trong đó, chỉ số tăng giá chung cư tại TP.HCM đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân sau 8 năm, tính từ 2015 đến nay, tăng 82%.

Dẫn chứng thêm số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%. Như vậy, giá nhà ở TP.HCM cao gần bằng 24 năm thu nhập của người dân.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến giá nhà cao: Chi phí đầu vào như đất, vật tư, nhân công, thiết kế, giám sát, xây dựng cao; chi phí biến số đầu vào như thủ tục, pháp lý kéo dài, lãi vay đều cao; bên bán sơ cấp (chủ đầu tư) và bên bán thứ cấp (giới đầu tư) đều muốn tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo một số chuyên gia, giãn dân đô thị từ vùng lõi ra vùng cận trung tâm hoặc các địa phương giáp ranh là giải pháp giúp giá nhà dễ tiếp cận hơn. Đồng thời, cải thiện nguồn cung được xem là cách bền vững để bình ổn giá.

Giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng giá tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể có trách nhiệm trực tiếp đảm bảo giá nhà hợp lý. Cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán phù hợp với thu nhập của người dân.

Theo Chủ tịch HoREA, phần lớn các dự án nhà ở hiện nay đều nằm trong phân khúc trung và cao cấp giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên. Do đó, phải có cơ chế hỗ trợ cho các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền. Bên cạnh đó, hiện chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa đáng kể, chủ yếu thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng nhưng vẫn cố giữ giá cao.

Đặc biệt, cần rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài thì chi phí xây dựng càng đội lên cao; trong khi tất cả các chi phí đầu tư đều được tính vào giá thành. 

HPR được tính bằng cách lấy giá nhà trung bình chia cho thu nhập bình quân hàng năm hộ gia đình. Theo Bộ Xây dựng, đây là phương pháp phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nơi trên thế giới khi đánh giá mức độ "hợp lý" về giá của nhà ở.