Nhiều năm trước, anh H. (42 tuổi, nhân viên văn phòng) mua một căn nhà ở xã hội rộng 63m2 tại Linh Đàm (Hoàng Mai) với giá 16 triệu đồng/m2. Năm 2021, công việc hướng dẫn viên du lịch của anh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lúc này, căn hộ anh mua cũng được sau 5 năm, đủ điều kiện được chuyển nhượng. Đang khó khăn, lại thấy giá căn hộ của mình tăng gần gấp đôi so với lúc mua, anh H. quyết định bán nhà để về quê làm trang trại chăn nuôi.
Sau 2 năm, công việc không được như mong muốn, anh H. và vợ quyết định ra Tết lên lại Hà Nội làm việc. Vợ chồng anh tìm mua chung cư ở Hà Nội và phát sốc khi giá nhà tăng quá cao. Năm 2021, anh bán căn nhà ở xã hội của mình với giá 27 triệu đồng/m2 - là mức giá cao ở thời điểm đó, nay chủ mới đang rao bán ở mức 35 triệu đồng/m2. “Hầu như căn NƠXH nào ở Hà Nội mà tôi hỏi cũng đều tăng từ chỉ trong vài năm, có căn vị trí đẹp, view hồ ở Linh Đàm còn tăng tới 15 triệu đồng/m2”, anh H tâm sự.
Anh H. chia sẻ, vợ chồng anh giờ chỉ có khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với giá nhà ở xã hội trong vài năm tăng 5 – 10 triệu đồng/m2 như hiện nay, gia đình anh chắc phải đi thuê nhà dài hạn. Còn mong muốn mua một căn nhà ở xã hội như cũ có lẽ là xa vời với gia đình anh.
Nhiều môi giới nhà ở xã hội cho biết, hầu hết các dự án nhà ở xã hội đều tăng khoảng 120 - 130% so với giá khi mở bán và hiện phổ biến trong khoảng 33 – 36 triệu đồng/m2.
Như dự án nhà ở xã hội Rice City ở Long Biên (Hà Nội), giá chào bán căn 2 phòng ngủ ở mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn vào cuối tháng 11/2023. Chỉ sau 1 tháng, từ cuối tháng 12 đến nay, giá chào bán đã là 2,3-2,4 tỷ đồng/căn. Hay dự án nhà ở xã hội Hope Residence (cũng tại Long Biên) tăng từ mức 1,9-2 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ hồi tháng 11/2023 lên 2,1-2,3 tỷ đồng/căn. Dự án nhà ở xã hội Thạch Bàn (Long Biên) tăng từ 1,8-1,9 tỷ đồng/căn 2 ngủ lên mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn chỉ trong 2 tháng cuối năm.
Các dự án nhà ở xã hội tại các khu vực khác của Hà Nội như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hoài Đức, mức giá tăng từ 150-300 triệu đồng/căn chỉ trong vòng hơn 2 tháng cuối năm.
Nguyên nhân khiến giá nhà ở xã hội leo thang theo thời gian, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, đó là do nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) sụt giảm mạnh: Năm 2019 là 30%, đến năm 2022 còn 7%, năm 2023 còn 6%. Tỷ trọng này quá thấp so với nhu cầu mua nhà ở vẫn luôn do phân khúc bình dân dẫn đầu, chiếm 80%.
Thủ tướng chính phủ đã ra đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp tại các địa phương. Các địa phương cũng đã báo cáo nên Thủ tướng chính phủ về việc sẽ hoàn thành 47.500 căn nhà ở xã hội vào năm nay.