Gia đình không thể vô can khi thanh thiếu niên tụ tập lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập lạng lách và đánh võng gây mất an toàn giao thông và lo ngại cho cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tích cực trong gia đình, nhằm giáo dục và định hướng nhận thức cho các em, giảm thiểu hành vi bốc đồng.

“Quái xế” tuổi thiếu niên

Khoảng 23h50 ngày 2/11, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thời điểm đó, chị Q. (27 tuổi, trú Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang dừng xe máy chờ đèn đỏ thì bất ngờ gặp đoàn "quái xế" phóng xe nhanh từ hướng ngược lại. Dù chị Q. đang dừng xe tại chỗ nhưng vẫn bị những "quái xế" này tông trúng. Vụ việc khiến chị Q. bị hất văng, tử vong tại chỗ. Nhóm thanh thiếu niên tiếp tục lái xe tốc độ cao bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau vụ tai nạn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội và Công an quận Hoàn Kiếm đã tiến hành tạm giữ 9 thanh thiếu niên. Bước đầu nhà chức trách xác định, N.T.M.K. (16 tuổi) và N.H.N. (19 tuổi) là hai nghi can khai nhận trực tiếp tông trúng chị Q. Sau cú tông, N.H.N cũng bị thương và phải nhập viện điều trị.

Hiện trường vụ tai nạn khiến chị Q. tử vong

Vụ việc trên là điển hình cho tình trạng tụ tập lạng lách, đánh võng của một bộ phận thanh thiếu niên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bản thân và người tham gia giao thông thời gian gần đây.

Thống kê của Công an TP. Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2024, gần 800 xe cộ và 788 trường hợp liên quan các vụ tụ tập phóng xe lạng lách, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, bị cảnh sát hóa trang xử lý. Gần như toàn bộ các trường hợp vi phạm đều trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Chia sẻ về tình trạng này, chị Trần Thị Lan (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị làm quản lý cửa hàng nên thường xuyên đi làm về muộn sau 22h. Phố đêm vắng người, mỗi lần gặp phải đoàn "quái xế" ào qua, chị lại chủ động tấp xe vào lề đường tránh. Chỉ khi đoàn xe đi hết, chị mới dám đi tiếp.

Trong khi đó, anh Đỗ Thành Luân (Long Biên, Hà Nội) cho hay, có lần anh đang dừng đèn đỏ ở đường Nguyễn Văn Linh thì giật mình vì tiếng nẹt pô của một đoàn xe phân khối lớn. Ngay khi đèn chuyển xanh, anh đã phải điều khiển xe dạt vào bên đường vì sợ bị đoàn xe phân khối lớn phóng với tốc độ cao va phải.

Xử lý hình sự hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện

Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã triển khai kế hoạch cao điểm nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Đồng thời, các lực lượng cũng được tăng cường để xử lý các trường hợp tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.

Quá trình thực hiện kế hoạch, các tổ công tác tại địa phương nhận thấy một số phụ huynh vẫn chưa chú trọng đến việc quản lý và giáo dục con em mình, dẫn đến tình trạng vẫn giao xe cho trẻ em dù biết chúng chưa đủ điều kiện lái xe.

Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện

Ngoài ra, các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý và ý thức của lứa tuổi này khiến một số em bắt chước các hành vi xấu. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý trực tiếp người lái xe, cơ quan chức năng cũng sẽ gắn trách nhiệm và xử lý các trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện, vì hành động này gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội và cần có chế tài nghiêm khắc hơn.

Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện, nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là chuyên gia nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên. Trao đổi trên Báo Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, đua xe được coi là một trong những hành vi nguy cơ của tuổi vị thành niên, tương tự như việc sử dụng chất gây nghiện hay quan hệ tình dục không an toàn. Những hành vi này thường xuất phát từ động cơ tìm kiếm cách thức giải tỏa áp lực cuộc sống, thể hiện xu hướng khám phá giới hạn bản thân và phản kháng lại những quy định mà họ không tin tưởng.

Sự kích thích từ các nội dung phản cảm trên mạng xã hội cũng góp phần vào tình trạng này. Khi thiếu những trải nghiệm tích cực, thiếu sự quan tâm và giáo dục đầy đủ về luật giao thông, cùng với áp lực từ bạn bè, nhiều thanh thiếu niên hành động bốc đồng, thiếu lý trí.

Những hành vi "vui sai trái" thường được xem là cách để thể hiện bản thân, trở thành "cool ngầu" và thu hút sự chú ý. Chúng còn được băng nhóm tôn sùng, làm gia tăng ảo tưởng trong giới trẻ. Với sự cổ vũ từ đám đông trên mạng xã hội và các hình thức thưởng livestream có thể đổi ra tiền, nhiều thanh thiếu niên dễ dàng xem nhẹ hậu quả nguy hiểm và sẵn sàng thực hiện các hành vi trái khoáy nhằm chứng tỏ bản thân trước những thách thức trên mạng.

Chia sẻ về giải pháp để hạn chế và dần tới chấm dứt tình trạng trẻ em tham gia giao thông lạng lách, đánh võng và coi đó là một "thú vui", PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, bên cạnh việc áp dụng các chế tài pháp luật để răn đe, thì cần xây dựng lại mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái.

Điều này có thể thực hiện được thông qua việc nâng cao nhận thức về kỷ luật tích cực và phát triển kỹ năng làm cha mẹ, nhằm tạo ra một mối quan hệ thân thiết và đáng tin cậy. Từ đó, việc giáo dục nhận thức cho các em sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nhà trường cũng cần định hướng giá trị cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo ra nhiều diễn đàn thú vị, giúp các em có không gian để thể hiện cá tính và tài năng riêng của mình. Ngoài ra, xã hội cũng cần phát triển nhiều sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, khuyến khích các "trend" tích cực và kiểm soát, loại bỏ những hành vi chống đối xã hội đang lan truyền trên mạng.