Sự gia tăng lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đang trở thành vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Phát triển các nhà máy điện rác là một giải pháp hiệu quả, giúp giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Giải pháp này không chỉ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo mà còn góp phần vào việc xây dựng môi trường sống bền vững cho thành phố.
Vào chiều ngày 14/10, trong buổi đối thoại với thanh niên Thủ đô năm 2024, trước câu hỏi về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như quản lý chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm sông hồ, phân loại rác tại nguồn và phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ cơ bản sử dụng công nghệ đốt rác phát điện cho rác thải sinh hoạt.
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện tại các khu xử lý rác thải của thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trước năm 2022, hơn 90% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây lãng phí nguồn tài nguyên và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, khởi công tháng 8/2019, trên diện tích 17,51 ha, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tổng vốn đầu tư của nhà máy điện rác này lên đến 7.000 tỷ đồng.
Nhà máy bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 5/2022, giai đoạn 2 vào tháng 12/2022. Đến tháng 11/2023, nhà máy vận hành toàn bộ 5 lò đốt, có khả năng xử lý từ 4.000 đến 5.000 tấn rác mỗi ngày, với công suất phát điện tối đa 90MW. Điều này giúp giải quyết hơn 70% lượng rác thải ở Hà Nội và giảm bớt áp lực cho các khu chôn lấp rác tại Sóc Sơn và Xuân Sơn, góp phần hạn chế các sự cố môi trường.
Tính đến tháng 4/2024, đây là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc). Nhà máy được trang bị 16 cửa đổ rác, được thiết kế để phù hợp với các loại xe đổ rác đang sử dụng tại Việt Nam, giúp tối ưu hóa quy trình tiếp nhận và xử lý rác thải.
Để đạt được mục tiêu toàn bộ rác thải sinh hoạt ở Hà Nội sẽ được đốt để phát điện vào năm 2025, thành phố tiếp tục triển khai Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Nhà máy có công suất xử lý rác 2.250 tấn/ngày đêm và sản lượng phát điện 37,5MW, sử dụng công nghệ lò ghi cơ học Martin hiện đại của Đức. Sau khi hoàn thành, Seraphin sẽ là một trong những nhà máy điện rác lớn nhất Đông Nam Á, giúp Hà Nội giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác thải sinh hoạt.
Cùng với Nhà máy điện rác Sóc Sơn, hai nhà máy này sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của thành phố. Tại buổi làm việc của Đoàn công tác UBND thành phố Hà Nội với chủ đầu tư Nhà máy điện rác Seraphin diễn ra sáng 19/9 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị chủ đầu tư cam kết đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm từ tháng 12 năm nay.
Việc phát triển công nghệ đốt rác để phát điện không chỉ là một giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu khối lượng rác chôn lấp, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí. Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 2 khu đang hoạt động, bao gồm Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Các khu này đang đóng vai trò chủ chốt trong việc xử lý phần lớn lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của Hà Nội, trong khi các khu khác vẫn đang trong quá trình triển khai