Tạm dừng dạy thêm
Ngày 14/2 tới đây, Thông tư 29 về dạy thêm học thêm sẽ chính thức có hiệu lực. Đây cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, nhất là những người có con đang học cuối cấp.
Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ, dù Thông tư 29 chưa chính thức có hiệu lực, nhưng nhà trường đã cho học sinh nghỉ học thêm từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Dù vậy, trường vẫn đang lên kế hoạch khảo sát để tổ chức dạy bổ trợ miễn phí cho học sinh lớp 12 có học lực yếu, giúp các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vị hiệu trưởng cho biết thêm, hiện tại, các giáo viên đều đồng ý hỗ trợ học sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em. Tuy nhiên, về lâu dài, quyền lợi của các thầy cô cũng cần được bảo vệ. Vì vậy, ông rất mong thành phố có nguồn kinh phí hỗ trợ thầy cô trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Trong khi đó, trao đổi trên Báo Lao Động, ông Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cũng cho hay, hoạt động dạy thêm tại trường đã dừng từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thời điểm này đã là bắt đầu học kỳ II, nếu tiếp tục dạy thêm đến ngày 14/2 rồi dừng thì sẽ không có hiệu quả. Các trường khác trong huyện cũng đã có quyết định tương tự.
Ông Sỹ thông tin, theo tinh thần Thông tư 29, nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng cho 3 nhóm đối tượng: Học sinh có kết quả chưa đạt ở một môn học, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp. Nhà trường không có nguồn thu ngoài việc tiết kiệm các khoản chi khác để tập trung vào công tác chuyên môn.
Trường THCS Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã thông báo dừng dạy thêm trong cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ I. Ban Giám hiệu nhà trường cam kết sẽ công khai các văn bản, quy định mới từ Bộ Giáo dục Đào tạo và thực hiện nghiêm túc. Tương tự, Trường THCS Hải Bối (huyện Đông Anh) đã thông báo cho phụ huynh về việc ngừng tổ chức dạy thêm.
Đến nay, phụ huynh tại nhiều trường khác trong cả khu vực nội và ngoại thành Hà Nội cũng đã nhận được thông báo về việc dừng dạy thêm. Một phụ huynh tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, mặc dù các lớp học thêm không còn tổ chức, nhà trường vẫn tăng cường bồi dưỡng kiến thức miễn phí cho học sinh thi tốt nghiệp.
Ngân sách hạn chế là một thách thức lớn
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc dạy thêm miễn phí cho ba nhóm đối tượng được quy định tại Thông tư 29 là rất nhân văn. Nếu được triển khai, quy định này sẽ tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng thừa nhận ngân sách hạn chế là một thách thức lớn với nhiều trường học, nhất là việc tìm nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên tham gia giảng dạy và bổ trợ học sinh cuối cấp.
Ông Lâm chia sẻ, giáo viên cũng là người lao động, nên khi làm thêm giờ, họ cần được trả công xứng đáng để bảo vệ quyền lợi. Do đó, Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ chi trả cho giáo viên hoặc xây dựng cơ chế để các trường có thể huy động nguồn lực tài chính hợp lý để duy trì hoạt động này.
Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Hà Đông cũng chia sẻ mong muốn có hướng dẫn sớm nhất có thể, lý tưởng là trước 14/2, để có căn cứ triển khai kế hoạch tiếp theo.
Về phía Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội mới đây cũng cho biết đã nhận được nhiều ý kiến từ các cá nhân, đơn vị và đang tổng hợp để tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn sớm nhằm thực hiện thống nhất trên toàn thành phố.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục Đào tạo chia sẻ, chương trình các môn học đã được quy định cụ thể thời gian dạy học cho từng khối lớp. Thời gian này đã đảm bảo việc giảng dạy đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả ôn tập và kiểm tra. Trách nhiệm của nhà trường là tổ chức thực hiện chương trình, đảm bảo học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức và phát triển năng lực, phẩm chất theo yêu cầu.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu, nhà trường và giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để giúp các em đạt mục tiêu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng là trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục và không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền từ học sinh.
Các Sở Giáo dục Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là trong việc hướng dẫn và tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp. Điều quan trọng là phải đảm bảo giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập và không để tình trạng ngừng dạy thêm làm giảm sự hỗ trợ đối với học sinh trong việc ôn thi.